Từ tác phẩm triết học kinh điển “Chính trị luận”, ta thấy được những gì?
Góc nhìn chính trị của Aristotle
“Chính trị luận” của Aristotle là một tác phẩm kinh điển mang tính chất đột phá trong lịch sử triết học và chính trị học không phải ở mức độ liệt kê quy mô mà ở tầm nhìn.
Trước Aristotle, chính trị chỉ đơn thuần được xem như mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị trong một quốc gia. Thậm chí với Plato, người thầy của Aristotle, chính trị vẫn là một thứ mơ hồ được đóng khung trong mô hình nhà nước lý tưởng. Aristotle thì khác, ông là một triết gia hiếm hoi trong lịch sử thế giới thành công trong vai trò chính trị – là người thầy, cố vấn cho vị hoàng đế vĩ đại nhất Hy Lạp cổ đại: Alexandre Đại Đế. Bởi thế, ông nhìn chính trị với con mắt của người trong cuộc và thấy rằng chính trị là một lĩnh vực tổng thể:
“Cũng giống như trong các ngành khác của khoa học, chính trị cũng vậy, một hợp chất luôn luôn có thể được phân giải ra thành những phần tử đơn giản hay nhỏ nhất của tổng thể. Do đó, chúng ta phải xem xét các phần tử cấu thành nhà nước, hầu có thể thấy được các luật lệ khác nhau của các loại chính quyền khác nhau như thế nào, và có thể rút ra được một kết luận khoa học nào chăng về mỗi loại chính quyền”.
Trước khi là một triết gia, một nhà chính trị, Aristotle đã từng theo học học viện của Plato, và chịu ảnh hưởng trước tác cuối cùng của thày mình là “Luật pháp”. Nhưng sau khi Plato qua đời, Aristotle không phục người kế nhiệm học viện, nên đã rời bỏ Athens, du hành đây đó, thử nghiệm áp dụng tri thức bản thân trong suốt 12 năm. Sau đó, ông và người bạn thân là Xenocrates cùng với một số triết gia khác đã thành lập một Học viện chính trị tại đô thành Troad của vị vua độc tài Hermias. Ông trở thành bạn thân của Hermias và được vua gả cháu gái. Tại đâu, ông hiểu rõ hơn về chế độ quân chủ và hiểu thêm được các nguyên tắc thương mại, ngân hàng từ đô thành này.
Một thời gian sau, Aristotle được vua Philip của xứ Macedonia mời đến Pella để dạy học cho hoàng tử Alexandre. Những tài liệu còn sót lại cho biết, Aristotle đã gửi cho Alexandre hai bản luận cương về “Thuật làm vua” và “Cai trị các thuộc địa”. Sau khi Alexandre thành công, Aristotle trở về Athens và mở học viện Lyceum, thắt chặt mối quan hệ với Antipater – người đề xướng tinh hoa trị (Oligarchy hay còn gọi là Aristocracy).
Sau khi Aristotle qua đời vào năm 322 TCN, tư tưởng chính trị của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị Athens. Bản hiến pháp của Athens do Antipater soạn thảo tiếp thu quan điểm về quyền đầu phiếu giới hạn trong số dân Athens có tài sản từ 2000 drachmas trở lên, nghĩa là giới hạn trong giới trung lưu. Sau đó, Demetrius, một người học trò của Aristotle lên cai trị Athens và biến những gì Aristotle đã dạy tại Lyceum.
Do có quá trình nghiên cứu về tự nhiên học, siêu hình học và đề xướng ra Logic học, Aristotle viết “Chính trị luận” với cái nhìn quy nạp, đi từ nhỏ đến lớn, từ phần tử đến tổng thể, từ cá nhân đến xã hội, từ cụ thể đến trừu tượng. Lối tư duy này trái ngược hẳn với Plato thày ông, người đã đề xướng chủ thuyết lý tưởng.
“Con người là một sinh vật mang tính chính trị”
“Con người là một sinh vật mang tính chính trị” là câu nói nổi tiếng của Aristotle mà bất cứ ai quan tâm đến chính trị đều thấm thía. Điều đó có nghĩa là, con người khác với con vật ở chỗ có thể ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng, Con vật tương tác với nhau do bản năng, còn con người tương tác với nhau không chỉ có bản năng mà còn có ý thức. Tính ý thức ấy chính là tính chính trị.
Trong cộng đồng người, Aristotle cho rằng việc phân chia người cai trị và kẻ bị trị là điều tự nhiên. “Những phần tử có khả năng, nhờ sự khôn ngoan biết tính toan, lo xa, dĩ nhiên trở thành phần tử cai trị, còn những phần tử mà khả năng chỉ do sức mạnh của thể chất mang lại, để làm những gì mà phần tử kia hoạch địch, là phần tử bị trị, đương nhiên ở trong tình trạng nô lệ.”
Đây là một định nghĩa sâu sắc về người tự do và nô lệ. Và cho dù các xu thế chính trị mới đề cao giá trị bình đẳng thường bài trừ quan niệm về nô lệ này của Aristotle nhưng thực tế vẫn không thể phủ nhận: người biết tư duy thì có thể có tự do, kẻ không tư duy chỉ biết răm rắp làm theo đó chính là nô lệ. Mối quan hệ phụ thuộc này biểu hiện rõ ngay từ các phần tử nhỏ của xã hội là gia đình, rồi đến các làng mạc. Aristotle phân tích rằng, mối quan hệ giữa người cai trị và bị trị xuất phát từ trong gia đình, tới làng mạc chính là tiền đề cho việc một quốc gia cần có vua cai trị, và ngay cả thần thánh cũng cần tới một vị vua để cai trị.
Từ sự mở rộng và phát triển của làng mạc, nhà nước (polis) ra đời một cách tự nhiên, một bước tiếp theo của gia đình, làng mạc. “Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính tự nhiên của sự vật chính là chung cục của nó. Vì ta gọi là tự nhiên khi một sự vật được phát triển đầy đủ tới dạng cuối cùng của nó, dù đó là một con người, một con ngựa, hay một gia đình.” Vậy nên, nhà nước là một tất yếu trong bước phát triển nhân loại. Aristotle cho rằng bất cứ ai một cách tự nhiên, chứ không phải do hoàn cảnh khách quan xô đẩy, lại “chọn sống ở ngoài cộng đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn người.” Trong suốt những năm từ 1960 đến nay, phong trào vô chính phủ cực đoan đã cổ vũ lối sống tách biệt khỏi cộng đồng chính trị. Và theo quan niệm của Aristotle những người nằm trong số “chẳng ra gì” hoặc “siêu nhân”, mà tôi tin rằng gần như toàn bộ là “chẳng ra gì”.
Một lập luận mang tính nghịch lý mà rất nhiều người đề cao quyền tự nhiên của con người hẳn sẽ thấy bất bình khi nghe đó là: “Nhà nước hiện hữu bởi tự nhiên và có trước nhân nhân. Chứng cứ của cả hai lập luận này là sự kiện nhà nước là tổng thể, còn cá nhân là cá thể. Mọi cá nhân không thể nào tự túc khi sống cô lập, bởi vì mọi cá nhân là vô vàn các cá thể cùng lệ thuộc vào cái tổng thể, là cái mà chỉ có nó mới đem lại sự sung túc cho tất cả.” và “Cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cá thể theo tự nhiên. Nếu cả cơ thể bị tiêu hủy, thì sẽ chẳng còn cái chân hay cái tay nữa, ngoại trừ theo cái nghĩa mơ hồ mà người ta thường dùng cùng một từ để chỉ các vật khác nhau, như khi ta nói về một cái tay bằng đá, vì một cái tay khi bị tiêu hủy (khi cả thân thể bị tiêu hủy) thì hơn gì một cái tay bằng đá đâu?””
Nếu chúng ta gạt bỏ các định kiến chính trị ngày nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng đây là vấn đề cốt lõi của thế giới hiện đại: cuộc đấu tranh giữa hệ thống và tính cá nhân. Hệ thống tổng thể sẽ không dễ dàng sụp đổ khi có vài cá thể tách khỏi. Hệ thống sụp đổ thì chắc chắn cá thể trong hệ thống sẽ không tồn tại nữa, và theo Aristotle thì các cá thể đó đã “mất khả năng thực thi chức năng”. Quan điểm hệ thống có trước cá nhân dễ dàng được Công giáo và các chính trị gia chấp nhận, bởi nó tạo ra ràng buộc chặt chẽ giữa người dân và nhà nước. Thế nhưng, cái cơ chế ràng buộc ấy có thành công hay không lại lệ thuộc rất nhiều vào việc họ có hiểu đúng kiến giải này của Aristotle hay không. Mặc dù cá nhân lệ thuộc nhiều vào hệ thống và ở trong hệ thống, nhưng không có nghĩa rằng hệ thống có quyền triệt tiêu mọi yếu tố cá nhân. Bởi hơn ai hết, Aristotle cổ vũ cho các công dân tự do, biết tư duy, chứ không phải những cá nhân nô lệ cho hệ thống, chỉ biết phục tùng và tuân theo. Ở đây, ông đặt ra mối ràng buộc này, có nghĩa rằng con người không thể tách khỏi cộng đồng người, không có nghĩa rằng cộng đồng có quyền áp đặt cho từng cá nhân.
Hệ thống xã hội mà Aristotle nhắc đến không phải sự toàn trị, mà là luật pháp và công chính. Đó chính là cột trụ quan trọng nhất của nhà nước. Con người bị tách khỏi luật pháp và công chính thì hoàn toàn có thể trở thành “động vật xấu xa nhất. Bất công trở nên tệ hại hơn đó là là sự bất công được vũ trang”. Một nhà nước khi đã mất đi luật pháp và sự công chính, tức là cột trụ sụp đổ, và tổng thể đó đã bị hủy hoại. Những kẻ trái pháp luật trong hệ thống đó đã là đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn cả là những kẻ trái pháp luật được trang bị vũ lực, có quyền dẫm đạp lên sự công bằng.
Từ điểm nhìn này, Aristotle đã đưa ra các nguyên tắc trong quản trị từ gia đình đến nhà nước. Tất cả đều dựa trên sự công chính.
Vấn đề người cai trị và kẻ bị trị
Aristotle định nghĩa về một hộ gia đình như sau: “Thành viên của hộ là tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, và một hộ đầy đủ gồm có nô lệ và những người tự do”. Đừng vội cho rằng “nô lệ” mà Aristotle nhắc đến là do ảnh hưởng của chủ nghĩa nông nô và vội bài trừ nó. Hãy quay lại với định nghĩa về người tự do và nô lệ của Aristotle, chúng ta sẽ thấy rằng nô lệ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, chỉ khác về tên gọi. Nô lệ, đơn giản là những người không có tư duy độc lập.
Ở thời đại của Aristotle, nô lệ là một tài sản sống, và ông xếp mối quan hệ giữa chủ nhân – nô lệ là quản lý tài sản, cùng với các tài sản vô tri khác. Những người tự do luôn cần nô lệ để phục tùng mình. Và nô lệ chỉ không còn cần thiết khi các tài sản vô tri khác có thể tự vận hành. Vậy thì, việc duy trì trạng thái chủ nhân – nô lệ có phải là một việc tự nhiên không? Ông khẳng định: “Sự việc có kẻ sinh ra để cai trị và kẻ sinh ra để bị trị là một sự việc không những cần thiết mà còn mang lại lợi ích nữa; có những kẻ từ khi lọt lòng mẹ đã được lựa ra để cai trị và những kẻ khác bị trị.”
Ông cho rằng theo tự nhiên, con người có linh hồn và thể xác và linh hồn điều khiển thể xác. Chỉ trong vài trường hợp thể xác điều khiển linh hồn, đó là phản tự nhiên, và nảy sinh cái ác. Những người có sức khỏe và làm việc tay chân thì cần phải bị cai trị bởi những người có tư duy, không những trong quy mô hộ gia đinh mà còn là quy mô quốc gia. Một điểm đặc biệt là Aristotle không đóng khung vấn đề tự do – nô lệ trong danh phận và địa vị xã hội. Hết lần này đến lần khác, ông khẳng định, một cách bẩm sinh, người tự do là độc lập và nô lệ thì lệ thuộc. Đó là do tự nhiên sinh ra không phải do xã hội quy định. Và đương nhiên những người tự do bị rơi vào thân phận nô lệ sẽ không ngừng dành lại tự do của mình, cũng như người nô lệ ở trong thân phận tự do thì vẫn cứ tiếp tục làm nô lệ. Và hiện trạng trái tự nhiên này sẽ gây ra nhiều thiệt hại và gây ra thù nghịch, mâu thuẫn quyền lợi.
Xét về bình diện nhà nước, quan hệ cai trị kiểu chủ nhân – nô lệ này là bất khả thi. Bởi vấn đề của một vị vua phải đối mặt không phải là quản lý những người bẩm sinh là nô lệ mà quản lý những người bẩm sinh là người tự do. Và bởi thế, quản lý nhà nước vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, và không phải ai cũng có thể đảm nhiệm công việc này.
Các mô hình nhà nước lý tưởng
Mô hình của Socrate và Plato
Aristotle cho rằng vấn đề cốt lõi của quản trị nhà nước đó là mức độ công – tư giữa công dân và nhà nước, tức là: “Công dân của một nước hoặc có chung mọi thứ, hoặc không có chung thứ gì hết, hoặc là chỉ có chung một số điều nào đó thôi.” Ông phân tích việc sở hữu tư hoàn toàn là điều không thể, bởi “cơ cấu chính trị là một cộng đồng, và cộng đồng thì tối thiểu phải có một chỗ chung”. Ông cũng rất phản đối mô hình của Socrates được Plato kể lại trong cuốn “Cộng hòa”, đó là một mô hình mà ở đó “mọi công dân đều có chung của cải vật chất, và chung cả vợ và con nữa”.
Nguyên nhân phê phán mô hình nhà nước Socrates mà ông đưa ra chính là những vấn đề rất thực tế. Socrates cho rằng một nhà nước hoàn hảo là phải đồng nhất, nhưng sự đồng nhất này đi ngược lại tính đa dạng, và bởi thế nó không còn là quốc gia nữa. Aristotle lập luận: “Để tiến tới đồng nhất thì quốc gia phải trở thành một gia đình, và từ gia đình muốn đồng nhất hơn, thì phải rút lại còn cá nhân”. Tức là cơ hội cho độc tài chuyên chế, tức là “phá hoại quốc gia”. Aristotle khẳng định lại: “Quốc gia không phải chỉ là sự tập hợp của nhiều người mà là nhiều người khác nhau, vì sự đồng dạng không tạo thành quốc gia.” Vì vậy, nhiệm vụ của chính trị là đem lại phúc lợi cho quốc gia chứ không phải biến tất cả mọi người thành đồng nhất.
Hơn nữa, vấn đề quan trọng khiến sở hữu chung làm lụn bại quốc gia, đó là, khi tài sản là của chung thì sẽ không ai bảo quản, giống như cha ông chúng ta thường nói “cha chung không ai khóc”. Và một khi tất cả là của chung, tất cả đều bình đẳng theo cách Socrates muốn thì mối quan hệ gia đình, thân nhân sẽ đổ vỡ, tạo điều kiện cho cái ác và bạo lực hoành hành. Một người sẽ không dám làm điều ác với người thân của mình, nhưng sẽ dễ dàng làm điều ác hơn nếu nạn nhân chỉ đơn thuần là người dưng. Do đó, một quốc gia không nên và chắc chắn không thể là một tập hợp đồng nhất với ý tưởng rằng tất cả đều là của chung.
Sở hữu chung, đặc biệt là sở hữu đất đai sẽ là tiền đề gây ra nhiều bất công. Theo lập luận của những người đề cao sở hữu chung đều lập luận rằng đất không của riêng ai, do đó đất đai nên là sở hữu công. Thế nhưng việc chia chác hoa lợi trên mảnh đất thật không dễ dàng, dễ bị ơi vào tình trạng kẻ làm nhiều mà hưởng ít hoặc kẻ làm ít mà hưởng nhiều. Do đó, tài sản nên thuộc sở hữu tư để mỗi người sở hữu chúng đều phải chịu trách nhiệm.
Và nếu sự chia sẻ diễn ra, thì đó không nên là ép buộc mà đến từ lòng tốt tự nhiên. Aristotle cho rằng “bạn bè chia sẻ với nhau mọi điều”. Ở Athens và Sparta, tình bạn được coi trọng. Người dân đều có sở hữu tư, nhưng luôn dành một phần để bạn bè sử dụng, và một phần khác cho người khác dùng chung. Nếu trên đường đi, ai đó thiếu thốn cái gì, thì có thể tự do lấy thứ đó ở bất cứ đâu trên dường. Điều quan trọng của nhà lập pháp, theo Aristotle là phải “tạo ra lòng từ thiện trong mỗi công dân để họ sẵn lòng chia sẻ với nhau”. Những vấn nạn xảy ra trong xã hội sở hữu tư không phải do hệ thống ấy tạo ra, mà là do bản năng xấu xa của con người chưa được gột bỏ. Và bản năng này, trên thực tế, có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ hơn ở những xã hội chỉ có sở hữu công.
Vấn đề là, về mặt tự nhiên, con người sinh ra đã ở vị thế hoặc là cai trị hoặc là bị trị, hoặc là người tự do, hoặc là nô lệ. Xã hội Cộng hòa mà Socrates vẽ ra làm lẫn lộn người cai trị và người bị trị, khiến người bị trị phải tư duy như người cai trị, và người cai trị bị chậm lại bởi cái ách nặng nề của kẻ bị trị khoác lên. Và lúc đó, nông dân không làm việc của nông dân, trí thức không làm việc của trí thức.Tất cả điều đó chính là sự bất ổn không phải chỉ ở giai cấp thấp mà cả ở giai cấp cao hơn. Aristotle có đề cập đến một mô hình khá bình đẳng giữa người cai trị và người bị trị, đó là xã hội tại đảo Crete: “nô lệ cũng được hưởng mọi quyền lợi như chủ nhân, ngoại trừ quyền được học tập thể lực và quyền mang vũ khí”.
Phê phán Socrates, tức là Aristotle đã phê phán chính thầy mình là Plato. Sự phê phán này đến từ logic và thực tiễn chính trị mà thày ông là Plato không có nhiều kinh nghiệm. Trái lại với sự thành công của Aristotle, Plato luôn thất bại trên con đường chính trị. Plato chưa bao giờ tham gia vào công cuộc điều hành một quốc gia, nên những vấn đề ông và thày ông là Socrate đặt ra chỉ đơn thuần là chiêm nghiệm và tính toan. Plato khác với Socrate ở điểm, ông không cực đoan với ý tưởng sở hữu công, ông cho phép sở hữu tư nhưng phải tuân thủ các chuẩn mực và giới hạn. Ví dụ như, người dân không được phép có số tài sản quá gấp 5 lần mức quy định.
Aristotle cho rằng khi đặt ra giới hạn này, Plato không lường trước được rằng việc giới hạn tài sản sẽ dẫn đến việc giới hạn con cái hoặc một gia đình sẽ bị bần cùng hóa vì giới hạn tài sản không tương xứng với số con. Cùng thời với Plato và Aristotle, một số thành bang cũng xử dụng phương pháp bình đẳng hóa sở hữu tài sản như vậy với hị vọng sẽ giảm thiểu tội ác. Việc này gây ra hiện trạng là dân chủ quá mức, khiến ai cũng được phép trở thành người cai trị. Hơn nữa, Aristotle cho rằng, tội ác gây ra không phải bởi vì kẻ yếu thế muốn được bình đẳng, mà là vì lòng tham. Và không có mức bình đẳng nào thỏa mãn được họ. Cuộc cải cách chính trị đích thực không phải là tạo ra bình đẳng mà là nâng cao ý thức tinh thần của con người vượt lên trên lòng tham.
Mô hình của Hippodamus
Hippodamus của xứ Miletus là người phát minh ra nghệ thuật quy hoạch thành phố, và đã quy hoạch thành phố Piraeus. Hippodamus có tham vọng là quy hoạch một quốc gia có 10.000 dân.
Ông chia làm ba phần cho ba lớp người: dân thợ, nông dân và lực lượng vũ trang. Đất đai cũng chia thành ba phần: đất tế tự, đất nuôi quân, đất sinh sống và canh tác. Pháp luật chia thành ba bộ phận chính là: ẩu đả, gây thương tích và án mạng. Do đó, ông duy trì duy nhất một tòa án tối cao để “tái thẩm những trường hợp tòa dưới đã xét xử không đúng.” Ông đề cao việc ghi chép chi tiết về tình trạng của một vụ xét xử, tức là nếu có tội thì ghi là có tội, vô tội thì ghi là vô tội, không thể đi đến kết luận cũng phải ghi là không thể kết luận. Ông phản đối cách biểu quyết của hội đồng để đi đến kết luận ai đó có tội hoặc không.
Hippodamus đặc biệt tưởng thưởng cho những người đưa ra các sách lược cho quốc gia. Ông cũng chăm lo đến phúc lợi xã hội, đặc biệt là với các gia đình tử sĩ. Tầng lớp quan lại do dân bầu ra, và có trách nhiệm chăm lo cho lợi ích cộng đồng.
Aristotle phê phán cách phân chia công dân thành ba loại, và cho tất cả các quyền bình đẳng. Ông cho rằng không thể có sự bình đẳng giữa ba loại người này. Bởi thợ thuyền và nông dân do không được mang vũ khí, nên không có gì khác là nô lệ của giai cấp chiến binh. Và do yếu thế như vậy, hai loại người kể trên không có quyền lực để tham dự vào chính sự. Cũng vì không thể tham dự vào chính sự, họ không thể trung thành với quốc gia. Ngoài ra, hệ thống tòa án của Hippodamus dẫn đến tình trạng độc tài trong phiên tòa, dễ dẫn đến tham nhũng và chạy án.
Ông không giấu được sự mỉa mai với việc vinh danh người đưa ra sách lược cho đất nước, ông cho đó là rỗng tuếch. Vì đó là cơ hội cho “những kẻ chỉ điểm tố cáo những người có tư tưởng cải cách là âm mưu làm loạn.” Hơn nữa, người ta sẽ dễ dàng đưa ra các đề xuất mà không tính toán đến các khía cạnh thực tiễn trong thay đổi. Aristotle phân tích rằng, thay đổi là tốt trong nghệ thuật và khoa học, nhưng với chính trị đó là vấn đề khác. Bởi một nhà cầm quyền có thể ra chính sách nhưng người dân lại lệ thuộc vào tập quán, và luật pháp cần rất nhiều thời gian để có thể thay đổi tập quán, có thể gây ra rất nhiều xáo trộn.
Mô hình của Sparta, Crete và Carthage
Tại Sparta, nông nô luôn luôn tìm cách nổi loạn, trong khi ở Crete, mối quan hệ chủ nô khá ổn định. Tại sao lại có sự khác biệt này?
Sparta là một thành bang cho phép phụ nữ sống phóng túng. Và khi phụ nữ sống phóng túng thì nền tảng luật pháp cũng lung lay. Hậu quả của việc này đó là sự sùng phụng của cải, và đặc biệt là người chồng bị vợ chi phối. Mỉa mai là, đây là hiện trạng thường thấy trong các dân tộc hiếu võ, ngoại trừ người Celt và một số dân tộc cho phép đồng tính luyến ái nam.
Một vấn đề nữa khiến Sparta suy yếu đó là cơ quan Giám sát viện. Bình luận về cơ quan này, Aristotle kết luận ngắn gọn như sau: “Đây là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng Giám sát viện lại do toàn dân bầu ra trong đám thứ dân, cho nên các chức vụ này dễ rơi vào tay của những người nghèo túng, và người nghèo thì lại dễ bị hối lộ.” Thậm chí, hội đồng trưởng lão của Giám sát viện lại được duy trì đến hết đời, đây là việc phản khoa học vì khi hội đồng này già đi sẽ không thể quản lý tốt được.
Aristotle cực lực phản đối cơ chế bầu cử của Sparta. Bởi vì những người tài thì bị ấn định vào chức vụ, còn ai muốn được bầu thì phải tự ứng cử. “Ở đây cũng như trong những phần khác của hiến pháp, hiển nhiên nhà lập pháp cho thấy ý định của mình là muốn công dân phải có lòng khát khao danh vọng và chức vụ, và ấn định đó là một tiêu chuẩn mà một trưởng lão cần phải có, vì chẳng có ai tự ra ứng cử nếu không muốn có danh vọng. Tuy nhiên, tham danh và tham lợi, hơn bất cứ nhiệt tình nào khác của con người, chính là động lực đưa đến tội ác.”
Thứ duy nhất Sparta coi trọng đó là đức tính duy nhất: đức tính quân nhân. Còn lại, mọi thứ đều tệ hại. Và đó là lý do khiến ngân khố của Sparta luôn thiếu vì phải lo chiến phí, dân thì trốn thuế, quan chức thì móc ngoặc với các thế lực bên ngoài. Tất cả đều dẫn đến một Sparta ngày càng suy thoái.
Crete khá tương đồng với Sparta. Aristotle cho rằng bản hiến pháp của Sparta là bản sao chép lại của Crete. Điểm đặc biệt của Sparta và Crete đó là cả hai thành bang này thực hiện chính sách bữa ăn chung. Ở Sparta, người dân phải trả tiền cho bữa ăn chung. Còn ở Crete thì mọi hoa lợi tập trung lại rồi được chia làm ba phần: tế lễ, công quỹ và bữa ăn chung. Crete khuyến khích mối quan hệ đồng tính và đàn ông hạn chế ở chung với vợ để giảm dân số. Nhờ thế, dù gặp phải tất cả các rắc rối như ở Sparta nhưng Crete vẫn khôn khéo chèo chống.
Mô hình của Carthage tốt hơn nhiều so với Sparta và Crete dù có chung một cơ cấu chính trị. “Điều này được chứng minh bởi dân thường Carthage luôn trung thành với hiến pháp và người Carthage chưa bao giờ có cuộc nổi loạn đáng kể nào, và chưa hề bị cai trị bởi một bạo chúa.”
Điểm khác biệt: Sparta lựa chọn người giám sát theo bốc thăm, còn Carthage chọn quan chức theo tài năng. Vua của Carthage không cha truyền con nối như Sparta mà vua được bầu bởi gia tộc nổi trội trong từng giai đoạn, và dựa trên tài năng chứ không phải tuổi tác.
Hiến pháp của Carthage dù được xây dựng dựa trên quyền lợi của quý tộc, nhưng chính quyền khá linh động trong từng hoàn cảnh: hoặc dân chủ, hoặc tinh hoa trị. Tùy từng vấn đề, họ có thể đưa ra công chúng để bàn thảo hay không. Và khi người dân không đồng tình, người dân có thể tự do phản đối. Tuy nhiên, về căn bản, Carthage vẫn là một mô hình điển hình cho tinh hoa trị.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng nền chính trị Carthage cũng không tránh khỏi các khuyết điểm của thể chế tinh hoa trị. Thể chế tinh hoa trị tạo ra cơ hội cho kẻ giàu dễ dàng mua được các chức vị cao, thậm chí là chức vua. Hơn nữa, hiến pháp cho phép một người giữ nhiều chức vụ, khiến cho công việc chồng cheo và khó hoàn thành nốt, tệ hơn, có thể dẫn đến chuyên quyền. Carthage rất khôn khéo, để tránh các tệ nạn này, họ thực hiện di dân tới định cư ở các thuộc địa. Vấn đề còn lại là ở chỗ, nhà cầm quyền phải đưa ra các phương sách để phòng ngừa nổi loạn từ chính những thuộc địa ấy.
(còn tiếp)
Theo Book Hunter
Hà Thủy Nguyên