Giao lưu với bạn đọc Việt, nhà văn Ocean Vương chia sẻ về tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” và công việc viết lách. Anh đề cao sự sáng tạo và vai trò của ngôn từ.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian phát hành tiếng Việt vào những ngày cuối năm 2021. Chỉ sau một tuần ra mắt, sách đã tái bản lần thứ hai. Trên các diễn đàn đọc sách và hội nhóm yêu văn chương, nhiều độc giả trẻ bàn luận sôi nổi về tiểu thuyết.
Sáng tác là hành trình khám phá trí tưởng tượng
Hôm 16/1, tác giả Ocean Vương giao lưu trực tuyến với bạn đọc Việt. Từng nhận một số giải thưởng, tham gia giảng dạy chuyên ngành sáng tác ở trình độ thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Massachusetts Amherst, Ocean Vương nhận được những câu hỏi về lao động văn chương. Nhà văn Mỹ gốc Việt đề cao vai trò của sáng tạo và ngôn ngữ.
Anh nói một người viết thành công phải có khả năng khống chế những kỳ vọng của độc giả, để cho tác phẩm của mình được thuần khiết nhất có thể. Với các công thức viết có sẵn, anh chỉ tò mò mà không đi theo. Viết với Ocean Vương là đi tìm cái mới.
Anh nói: “Đi tìm cái mới là một hành trình, đặc biệt là đi tìm cái mới trong ngôn từ. Từng câu chữ chính là ADN của những sáng tác, không ai có thể làm giống mình, bởi mỗi người đều có công thức, giá trị riêng biệt. Dù là cuộc sống, tình yêu hay sáng tác, cách chúng ta dùng kỹ thuật riêng của chính mình làm cho chúng ta trở nên khác biệt”.
Ocean Vương cho biết anh là người làm việc có kế hoạch. “Một đứa trẻ được hình thành như thế nào thì sáng tác cũng như thế”, Ocean Vương nói. Sáng tác cũng cần chất liệu, ý tưởng được dung dưỡng bởi tác giả, từ từ ra đời theo những cách riêng của nó. Sau một thời gian đủ để “hoài thai”, tiểu thuyết của anh được hình thành.
Tuy vậy, nhà văn không khắt khe với cấu trúc, dàn ý, bố cục, mà cho rằng sáng tác là đi khám phá ý tưởng mới. Sáng tác là hành trình để ta khám phá trí tưởng tượng của mình. Nên cân bằng giữa kế hoạch sáng tạo và không gian cho đổi mới.
Người viết chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng nhân vật thì nhiều hơn thế
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được viết dưới dạng những bức thư của con trai gửi cho người mẹ không biết chữ. Nhân vật chính, tuổi ngoài đôi mươi, kể cho mẹ những mẩu chuyện nhỏ, xen những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, thơ.
Chàng trai kể chuyện đời của mình từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, một người da vàng sống giữa những người da trắng. Cậu cũng kể về gia đình của mình, về bà và mẹ, những phụ nữ can trường. Thông qua câu chuyện lịch sử một gia đình, tác phẩm đặt ra câu hỏi phổ quát: Chúng ta yêu thế nào sau khi trải qua bao đau thương?
Ocean Vương nói anh không viết tự truyện, không muốn thương mại hóa câu chuyện của gia đình. Trong khi một số độc giả nghĩ tác phẩm là câu chuyện có thật của người viết, tác giả coi mình là nghệ sĩ, sáng tạo bằng trí tưởng tượng của mình. “Tiểu thuyết cho tôi cơ hội để bày tỏ lý tưởng của mình. Mình chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng nhân vật thì có nhiều hơn thế”, tác giả giãi bày.
Theo Ocean Vương, nhà văn không thể trốn sự thật, không thể khước từ việc đối diện với nỗi đau của chính mình, bởi không có bóng tối sẽ không có ánh sáng để viết. Sống trong một gia đình mà mọi người đều vất vả, Ocean Vương đã không lãng phí nỗi buồn đó. Anh đi sâu vào, đối diện, khám phá, thể hiện ra trang viết để rồi mỗi ngày một tự tại hơn.
Tác giả cho biết hình thức bức thư của người con gửi mẹ của mình trong tiểu thuyết giúp câu chữ phát huy năng lực. Bức thư giúp tác giả cảm thấy linh hoạt với trình tự thời gian, cách kể chuyện, bối cảnh.
Đồng thời, hình thức bức thư cũng giúp anh thực hiện được ý tưởng về cuộc trò chuyện giữa hai người: “Đây là cuộc trò chuyện giữa hai người Việt Nam với nhau chứ không phải giữa tác giả và độc giả. Tôi tập trung vào xây dựng sự gần gũi, độ mở để bạn đọc tiếp nhận”.
Khi được hỏi về On Earth we’re briefly gorgeous dịch sang tiếng Việt với tên Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Ocean Vương nói anh hạnh phúc với bản chuyển ngữ này.
Trong thư viết cho đơn vị phát hành sách tại Việt Nam, Ocean Vuong giãi bày: “Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về ‘nhà’, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui”.
Nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vương (1988) là một hiện tượng gây chú ý khi tập thơ đầu tay Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Night sky with exit wounds) được độc giả trên khắp thế giới đón nhận. Tác phẩm nhận một số giải thưởng như: Whiting (2016), giải Forward (2017), giải T. S. Eliot (2017)…
Tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, khi vừa xuất bản cũng lọt vào danh sách best-seller của New York Times và trở thành cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2019 từ giới phê bình.
Theo Zing News