Cánh buồm đỏ thắm là một câu chuyện cổ tích thực thụ, và chúng ta không nên đọc tóm tắt truyện cổ tích, nhất là khi mọi bất ngờ nằm trọn vẹn trong phần kết truyện.
Ước mơ từ những ngày còn bé của tôi là được dong buồm ra khơi, sống một cuộc sống tự do, lênh đênh trên mặt biển. Tôi sẽ là một chú thủy thủ học việc, một tay phụ bếp, một thuyền trưởng lão làng, hay một tay cướp biển,… Dù là ai đi nữa, cuộc sống trên biển vẫn luôn hấp dẫn đứa trẻ mơ mộng hơn cuộc sống giữa bốn bức tường tầng hai với bốn cánh cửa sổ luôn đóng kín. Thế nhưng, từ lâu lắm, tôi chẳng còn chia sẻ ước mơ ấy với bất cứ ai vì sợ bị chê cười. Ước mơ ấy bắt đầu từ Thuyền trưởng đơn vị, được bồi đắp ngày một dày lên khi tôi lật từng trang One Piece, xem đi xem lại đến mòn cả bốn phần Những tên cướp biển vùng Caribe,… Ấy nhưng, tôi biết thừa “biển” của tôi không phải biển của thế kỉ XXII này, mà là vùng biển đã hấp dẫn biết bao linh hồn yêu thích phiêu lưu và mê đắm tự do ở những năm thuộc thế kỉ XV – XVIII. Lớn lên, đã có lúc tôi quên mất ước mơ thuở bé của mình, quên cả niềm tin vào điều kỳ diệu và tinh thần phiêu lưu mà nó từng đem lại. Thế rồi một ngày, Cánh buồm đỏ thắm hiện ra trước mắt tôi, không phải từ ngoài khơi xa, mà ở giữa muôn trùng những bộ phim được đăng tải lên mạng.
Chuyển thể từ một cuốn truyện nhỏ của Alexandre Grin, Cánh buồm đỏ thắm được phát hành vào năm 1961. Cánh buồm đỏ thắm kể câu chuyện về cô bé Assol sống cùng người cha là thủy thủ về hưu tại một thị trấn nhỏ ven bến cảng, và về chuyến phiêu lưu của chàng bá tước trẻ bất tuân mệnh lệnh gia đình Arthur Gray. Ngày còn bé, Assol trong một lần thả chiếc thuyền buồm đỏ đồ chơi trôi theo dòng suối đã gặp một người kể chuyện. Ông ta đã kể một câu chuyện cổ tích dành riêng cho Assol, rằng lớn lên, sẽ có chàng hoàng tử trên cánh buồm đỏ thắm đến đưa Assol đi. Với tất cả niềm tin, Assol tin vào câu chuyện ấy, kể cả khi cô bé đã lớn lên. Mặc kệ cho mọi người trong thị trấn cười nhạo niềm tin ngây ngô, Assol vẫn một lòng tin tưởng, đặt hi vọng vào câu chuyện ấy. Ở một nơi xa xôi khác, trong căn nhà của bá tước Gray, có một cậu bé mang tinh thần nghĩa hiệp cũng ngày ngày hóa thân thành Robin Hood và đóng vai thuyền trưởng điều khiển con tàu tưởng tượng của riêng mình cùng với ông hầu cận già. Cậu bé Arthur ấy phản kháng lại mọi điều bố mẹ áp đặt lên. Đến khi trưởng thành, cậu bỏ gia đình, xin làm thủy thủ trên một con thuyền lớn. Rồi dần dần, cuối cùng cậu cũng đã sở hữu một con tàu cho riêng mình và trở thành thuyền trưởng. Một ngày kia, con thuyền của Arthur cập bến nơi thị trấn mà Assol sinh sống.
Tôi xin dừng phần tóm tắt lại ở đây, cũng khẳng định rằng nó không hề đầy đủ. Cánh buồm đỏ thắm là một câu chuyện cổ tích thực thụ, và chúng ta không nên đọc tóm tắt truyện cổ tích, nhất là khi mọi bất ngờ nằm trọn vẹn trong phần kết truyện.
Cả Assol và Arthur đều có nhiều điểm chung. Đầu tiên đó là hai người đều được nuôi dưỡng, lớn lên trong “tình yêu của biển” – đó là cách gọi tên của riêng tôi. Assol ngày ngày làm bạn với những con thuyền đồ chơi, và mơ mộng về một chàng hoàng tử trên cánh buồm đỏ thắm sẽ xuất hiện từ ngoài khơi xa; còn Arthur được người hầu cận già dựng hẳn cho một con thuyền trên căn gác xép để cậu phiêu lưu và mơ về những ngày tháng được tự do trên biển, thoát khỏi những kìm kẹp trong bốn bức tường của lâu đài bá tước. Mỗi người đều mang một kì vọng riêng trong tương lai. Kì vọng đó không bị giới hạn trong một ngôi làng, một tòa lâu đài hay một vùng đất; trái lại, nó vượt thoát mọi thứ rào cản thông thường, trở thành biểu tượng cho ước muốn tự do, hạnh phúc tình yêu của riêng hai nhân vật chính. Họ mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi không còn tiếng cười nhạo hay sự kì thị của dân làng, cũng không còn trách nhiệm mà một bá tước phải gánh vác. Cả Assol và Arthur đều mơ về “cánh buồm đỏ thắm”.
Một điểm giống nhau nữa của Assol và Arthur là cả hai luôn nhớ về ước mơ của mình, và tìm cách thực hiện nó. Mặc cho cả dân làng chê cười, cô bé Assol vẫn ngày ngày vui đùa với cỏ cây, hoa lá, và không khi nào cô quên hướng mắt về phía biển, chờ đợi “hoàng tử” của đời mình. Assol không chờ đợi trong đau khổ, mà vui tươi tận hưởng cuộc sống, vẫn chăm chỉ làm việc, không thèm bận tâm đến lời ra tiếng vào của những kẻ thực tế đến mức thực dụng xung quanh. Assol không cho rằng câu chuyện cô từng được nghe là chuyện hoang đường, bởi cô tin một ngày nào đó, hạnh phúc ấy sẽ đến với cô thật sự, vấn đề chỉ là thời gian. “Là con người ai cũng có mơ ước, khi bác xúc than, bác cũng ước rằng những hòn than sẽ nở hoa”. Assol nói trong tiếng cười lanh lảnh trong trẻo của cô. Cô chẳng thèm quan tâm đến những người đã cười nhạo cô, bởi cô biết rằng họ cũng có những ước mơ của riêng họ, chỉ là giấc mơ của họ và của cô khác nhau mà thôi.
Còn Arthur, khi cậu bé dõng dạc nói với bố mình, con sẽ không để tranh của con treo lên tường nhà, hay khi chàng Arthur trưởng thành khẳng định chắc nịch, con sẽ không làm bá tước và bỏ đi, cũng là khi Arthur quyết tâm sống với ước mơ từ thuở bé của anh. Và trên được thực hiện ước mơ của đời mình, Arthur đã gặp Assol. Chàng Robin Hood ngày nào phải lòng cô gái con nhà làm đồ chơi bé nhỏ, lại nghe được câu chuyện về cánh buồm đỏ thắm qua lời kể của người bán than. Giống như khi xưa nghe được cuộc nói chuyện giữa hai người hầu, cậu bé Arthur đã đem một túi tiền đến cùng lời chúc phúc dành cho cô hầu gái; lần này, Arthur cũng chuẩn bị một điều kỳ diệu dành riêng cho Assol, cùng lời cầu hôn và hứa hẹn hạnh phúc trọn đời.
Cánh buồm đỏ thắm thực ra không phải chỉ là nơi hai tâm hồn dám mơ và dám tin gặp gỡ nhau, không chỉ là không gian của tự do, cuộc phiêu lưu hay niềm tin vào ước mơ, mà còn là chứng tích cho một điều kỳ diệu của tình yêu. Câu chuyện cổ tích của người kể chuyện khi xưa đã trở thành hiện thực, không nhờ phép màu kỳ ảo của một bà tiên hay thần đèn, mà bởi tình yêu. Khi kể câu chuyện đó, thực ra người kể chuyện cũng chỉ muốn gieo vào lòng cô bé Assol một hạt giống hy vọng, để khẳng định rằng cuộc sống vẫn đáng để ước mơ, và cô bé đáng yêu ấy một ngày sẽ có được hạnh phúc. Nếu một ngày, Assol lớn lên và không còn tin nữa, thì câu chuyện ấy vẫn sẽ là một ký ức đẹp, nhưng sẽ chỉ là một trong rất – nhiều ký ức khác mà thôi. Con thuyền với cánh buồm đỏ thắm của Arthur trở thành một điều kỳ diệu là bởi Arthur, khi nhận ra tình yêu của đời mình, đã biến kỳ vọng lớn lao của Assol thành sự thực. Người đàn ông từng từ bỏ danh bá tước để ra khơi nay đã thành “chàng hoàng tử” trong câu chuyện cổ tích của một cô gái từ lâu đã chỉ chờ đợi một mình chàng.
“Tôi đang đến với người con gái đợi và chỉ đợi mỗi mình tôi, còn tôi thì không muốn một ai khác ngoài cô ấy, có lẽ chính nhờ cô ấy mà tôi ngộ ra được một chân lý đơn giản.
Đó là phải tự tay mình tạo ra những điều gọi là kỳ diệu.”
Cổ tích là những câu chuyện đem đến cho người đọc niềm tin và tình yêu, và với tôi, điều ngược lại cũng vẫn đúng, rằng bất cứ câu chuyện nào đem đến cho chúng ta niềm tin và tình yêu vào cuộc sống và con người thì đó đều xứng đáng được coi là truyện cổ tích. “Truyện cổ tích” chắc chắn không phải khái niệm về những điều ảo tưởng, mơ hồ mà là giấc mơ về những điều tốt đẹp nhất con người có được. Điều kỳ diệu cũng không chỉ có phép màu hay sự xuất hiện của thần tiên, những người khổng lồ hay chàng hiệp sĩ đánh bại con quái vật. Đôi khi, điều kỳ diệu được tạo ra bởi ước mơ và tình yêu sẽ thực hiện nốt vai trò của nó, hoặc cũng có thể trong Cánh buồm đỏ thắm, chính sự nảy nở của tình yêu đã là một điều kỳ diệu rồi.
Cuối cùng, câu chuyện nhỏ của A. Grin như một lời nhắn gửi đầy yêu thương đến những ai đã từng ước mơ, và những người vẫn đang giữ chặt ước mơ. Cuộc đời này không còn hoàng tử, chẳng có công chúa, quái vật vĩnh viễn bị nhốt trong căn hầm tuổi nhỏ và tất cả lâu đài đã phủ rêu phong, gió biển cũng chẳng còn ca khúc khải hoàn của những con thuyền viễn du đi tìm vùng đất mới nữa, nhưng chừng nào con người vẫn đủ dũng cảm để tin, đủ yêu thương để trân trọng, thì “Cánh buồm đỏ thắm” vẫn đủ khả năng để biến những ước mơ tưởng như viển vông thành sự thật.
Xét một cách công bằng, Cánh buồm đỏ thắm 1961 là một bộ phim đáng xem, nhưng nếu có ai định xem phim thay đọc truyện thì đó lại là một quyết định không mấy sáng suốt. Bởi có những thứ, buộc phải đọc từng câu từng chữ, lật từng trang sách, ta mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp và linh hồn của nó. Cuốn tiểu thuyết “Cánh buồm đỏ thắm” chính là một trong số những thứ như thế.
Theo Bookhunterclub