“Miền đất hứa của tôi”, đúng như cái cảm giác tên gọi này đã mang lại cho người đọc ngay từ ấn tượng đầu tiên, về một lời hứa, một hy vọng bất chấp thực tại nghiệt ngã.
Từ khi bị Đế quốc La Mã trục xuất vào thế kỷ thứ 2, vùng Judea trở thành Palestine và người Do Thái đã trở thành dân tộc lưu vong trong suốt gần 2.000 năm. Họ ở khắp nơi trên thế giới, thấm vào mình bản sắc của dân tộc bản địa để có thể tiếp tục sinh tồn. Để giữ lấy bản sắc và nguồn cội, từ tầng lớp tinh hoa Do Thái đã hình thành nên chủ nghĩa Zion, chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Bi kịch của một dân tộc lưu vong
Năm 1903, một cuộc tàn sát người Do Thái diễn ra vào lễ Phục sinh đã giết chết 40 người Do Thái và khiến hàng trăm người bị thương nặng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là phát súng khởi đầu. Trong một thập kỷ tiếp theo, nỗi thống khổ sẽ vồ vập lấy dân tộc này như một con thú săn mồi khát máu, các cuộc tàn sát người Do Thái diễn ra ở khắp nơi: Châu Âu, Nga, Belarus, Ba Lan… Trong nửa thế kỷ tới, một phần ba người Do Thái sẽ bị giết, hai phần ba người Do Thái ở Châu Âu sẽ bị xóa sổ bởi các cuộc diệt chủng. Một tương lai còn tồi tệ hơn cả quá khứ lưu vong đã buộc người Do Thái phải hành động nhanh và kiên quyết. Một triệu người Do Thái trốn khỏi Đông Âu, họ phải đi tìm một nơi để người Do Thái có thể tiếp tục sinh tồn. Một lần nữa, họ phải nếm trải kiếp nạn di cư hàng loạt
Những người lãnh đạo phong trào Zion tin rằng người Do Thái cần phải trở về Palestine – vùng đất họ bị tước đoạt bởi Đế quốc La Mã hàng ngàn năm về trước. Đó không chỉ là một hành trình quay về cố hương, mà là một thách thức đi tìm đường sống cho dân tộc.
Năm 1921, một đoàn xe kì lạ cùng với 74 thanh niên Do Thái đã xâm nhập thung lũng Harod. Đó là những người Do Thái đầu tiên bắt đầu định cư ở Trung Đông. Họ đặt chân đến Ein Harod như một sự nổi loạn chống lại quá khứ bi thương bị ngược đãi và lang thang của người Do Thái, để vượt qua những bẽ bàng mà thế hệ trước họ phải trải qua ở châu Âu.
“Trong thung lũng hoang vắng này, chúng tôi phải tạo dựng cuộc sống của riêng mình. Chúng tôi phải đào thật sâu để tìm ra dòng suối đang ẩn mình sẽ nuôi dưỡng – và truyền cảm hứng – cho cuộc sống mới của chúng tôi.”
Phong trào Zion là một phong trào của giới trẻ mồ côi – những con người đã bỏ lại quá khứ ở phía sau, tự cắt đứt khỏi cội rễ, khỏi bản sắc cũ và những người thân yêu nhất để bắt đầu hành trình đơn độc trên mảnh đất cằn cỗi ở Ein Harod. Một số người đã tự vẫn vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của mảnh đất và sự tuyệt vọng trong tâm hồn, nhưng cũng chính tại nơi này, tia hy vọng được nhen nhóm, rằng có thể “đây là nơi dừng chân cuối cùng của chúng tôi, đây là dấu chấm hết cho việc lang thang của chúng tôi.”
Sự giải thoát của một dân tộc và bắt đầu bi kịch của một dân tộc khác
Phong trào định cư của người Do Thái ở Palestine từng là một bản hoà âm tuyệt đẹp: Những vườn cam màu mỡ và xanh mướt, người Do Thái và người Ả-rập, hai dân tộc làm việc bên nhau, tạo ra trái vàng của vùng đất. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa kiểu công xã đã mang lại cho Chủ nghĩa Zion sự gắn kết xã hội, tinh thần quyết tâm, và đạo đức cần thiết. Từ thung lũng Ein Harod cho đến Rehovot, người Do Thái đã gặt hái được những thành tựu đáng nể. Những người Do Thái đầu tiên đến Trung Đông đã biến Palestine thành một cường quốc sản xuất cam quýt. Năm 1925, chỉ có 30.000 dunam vườn cây có múi ở Palestine, đến năm 1935, đã có 280.000 dunam vườn cây có múi. Trong một thập kỷ, sản lượng cam quýt ở Palestine đã tăng gấp mười lần.
Tuy nhiên, tinh thần vượt khó và năng lượng vượt trội đặc trưng của chủ nghĩa Zion thuở ban đầu đã đột ngột biến mất vào năm 1936, khi những cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine trở nên gay gắt hơn. Người ta nghe thấy những tiếng súng đầu tiên vào một buổi tối thứ 4 năm 1936. Một nhóm người Ả-rập có vũ trang đã bắt chết 2 người lái xe Do Thái. Hai ngày sau, bốn người Ả-rập bị sát hại. Những xung đột và trả đũa giữa người Do Thái và Ả-rập bắt đầu, rồi trở thành một làn sóng phẫn nộ. Không có chiến trường, người Do Thái và người Palestine đôi khi bị giết ngay trong chính căn nhà của mình. Đó là cuộc chiến tàn khốc giữa hai dân tộc trên một quê hương.
Để có được miền đất hứa, dân tộc Do Thái đã đánh đổi tinh thần chủ nghĩa Zion thuần tuý. Từ những người nông dân vượt khó, họ trở thành những người lính. “Phong trào cách mạng này giống sư sự bùng phát của một dân tộc trên bờ vực tuyệt chủng… là một hành động đầy cảm hứng của một dân tộc bị đánh đập không chờ đợi Đấng Cứu thế mà tự nhận lấy sứ mạng của Người.”
“Chiến tranh là vô nhân đạo, nhưng nó cho phép người ta làm những điều không thể làm được trong hoà bình; nó có thể giải quyết những vấn đề không giải quyết được trong hoà bình.”
Tại Lydda, chiến tranh tàn nhẫn hết mức, giết chóc, cướp bóc, cảm giác giận dữ, và trả thù. Rồi sau đó là cuộc di cư, nhưng không phải của người Do Thái, mà là của người Palestine. Trước đó, một cuộc thảm sát đã xảy ra khi những người Palestine bị dồn đến nhà thờ Hồi giáo ở Lydda, nỗi sợ hãi khiến họ mất hoàn toàn hy vọng ở lại. Lần này, đến lượt họ trở thành dân tộc “mất chủ quyền, mất nhân phẩm.”
Hàng dài người di cư khỏi Lydda là một yếu tố khiến Lydda trở thành một chương sách đầy ám ảnh trong tác phẩm của Ari Shavit.“Một người rơi xuống giếng; một người khác bị giẫm đạp đến chết trong cơn hoảng loạn. Ông nhìn thấy một người phụ nữ trẻ quỵ xuống sinh con trong lúc rối loạn…Thỉnh thoảng một gia đình lại rời khỏi đám đông di cư và dừng lại bên vệ đường, để chôn một bé sơ sinh không chịu được cái nóng, để nói lời tạm biệt với một bà cụ ngã gục xuống vì mệt nhọc… Một người mẹ bỏ rơi đứa con sơ sinh đang gào khóc dưới một gốc cây…” Họ tuyệt vọng, dường như mất trí, vừa đi họ vừa nguyền rủa người Do Thái, nguyền rủa người Ả-rập và nguyền rủa Đức Chúa Trời.
Sự hình thành nhà nước Israel năm 1948 chính là hy vọng sau hàng ngàn năm lưu vong của người Do Thái, nhưng đồng thời nó cũng đã khiến 700.000 người mất nhà cửa, và quê hương của họ bị giải tán, một tá thị trấn, hàng trăm làng mạc và hàng ngàn địa phương của Palestine biến mất trên bản đồ.
“Miền đất hứa của tôi”
Cuối cùng, dân tộc Do Thái đã có một mảnh đất của riêng họ, nhưng cái giá của nó vẫn còn nằm ở tương lai. Để tồn tại, họ đã đánh mất bản chất của tinh thần Zion ban đầu, “họ đánh mất nơi xuất phát và không biết mình đang đi về đâu.” Những thế hệ con cháu Israel sẽ nhìn lại quá khứ và đặt ra câu hỏi cho đất nước của mình, về cội nguồn của chính mình, về những gì dân tộc họ đã làm với một dân tộc khác.
Ari Shavit được xem là một trong những nhà báo tài năng nhất ở Israel trong thế hệ của ông. Thời điểm ông được sinh ra, Palestine đã không còn. “Quốc gia tôi sinh ra đã xoá Palestine khỏi mặt đất. Máy ủi san bằng những ngôi làng Palestine, các tờ lệnh thu hồi đất Palestine, luật huỷ bỏ quyền công dân Palestine và thủ tiêu quê hương của họ.”
Khi nhìn thẳng vào thực tế tàn khốc, ông phải tự hỏi rằng rằng, ngay cả khi vụ thảm sát là một sự hiểu lầm do một chuỗi bi kịch các sự kiện tình cờ, thì việc trục xuất người Palestine khỏi Lydda có phải tình cờ không? Hay nó là một kết quả tất yếu mà dân tộc ông phải đối mặt?
Là một người theo chủ nghĩa phản chiến, Ari Shavit không tìm cách biện hộ cho người Do Thái, mà thay vào đó là đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về chiến tranh, xung đột sắc tộc, vấn đề định cư, những gì đã từng xảy ra trên vùng đất mà ông được sinh ra. Từ chuyến đi hành hương của người Do Thái năm 1897 cho đến những sự kiện thời sự đầu thế kỷ 21, Ari Shavit dường như đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên không gian và thời gian để vén tấm màn bi kịch của hai dân tộc và mở ra chiếc hộp đen của nhà nước Israel.
“Miền đất hứa của tôi”, đúng như cái cảm giác tên gọi này đã mang lại cho người đọc ngay từ ấn tượng đầu tiên, về một lời hứa, một hy vọng bất chấp thực tại nghiệt ngã. Có những chương thật đẹp và nên thơ về một vùng đất để gieo hy vọng, về một dân tộc đang cố gắng sống sót trước thảm họa. Nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức, còn quá nhiều đau đớn trên vùng đất này.
Với tác phẩm của mình, Ari Shavit đã thành công trong việc khắc hoạ cả bi kịch và vinh quang, không chỉ của một mà là hai dân tộc. Những tài liệu cũ, những câu chuyện của từng cá nhân, gia đình đồng thời cũng là câu chuyện của dân tộc và thời đại. Những câu chuyện được kể lại một cách chân thực đến mức, chúng ta hầu như không có thời gian để phán xét hay trách móc, mà chỉ đơn giản là đi tìm câu trả lời cho những gì đang dằn xé đạo đức của một người hậu thế.
Khi chiếc tàu hơi nước rẽ làn nước đen của Địa Trung Hải đưa đoàn người Do Thái đầu tiên về “Miền đất hứa”, khi đó họ có nghĩ tới: ngày mà Zion thành công, ngày Zion giải phóng một dân tộc, cũng là lúc nó tước đoạt mảnh đất của một dân tộc khác; ngày người Do Thái có được nơi an cư, cũng là lúc họ khiến cho một dân tộc khác phải lưu vong?
“Có hơn nửa triệu người Ả-rập, Bedouin và Druze tại Palestine năm 1897. Có 20 thành phố và thị trấn, hàng trăm làng mạc… Làm sao sao cụ tôi lại có thể không nhìn thấy cơ chứ? Rằng một dân tộc khác đang chiếm giữ mảnh đất của tổ tiên mình?”
Thanh Trần
Có thể bạn quan tâm: Lịch sử Israel: Thành công là con đường duy nhất để tồn tại