Sự phát triển vượt bậc của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ làm mờ đi tính con người và tầm quan trọng của trải nghiệm cá nhân. Trong cuốn sách mới của mình, tác giả best-selling Yuval Harari tiên đoán về cuộc sống tương lai trong kỷ nguyên của dữ liệu và các thuật toán.
Loài người đã có những thành công đáng kể trong việc giảm thiểu nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh (mặc dù không có vẻ như vậy nhưng đó là sự thật.) Giờ đây, Homo sapiens (loài người) đang tiến dần tới một nấc thang mới. Việc chúng ta ngày càng trở nên thành thạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data và các thuật toán để thực hiện mọi việc từ giảm thiểu tắc đường cho tới chẩn đoán ung thư sẽ dẫn tới việc chúng ta chuyển hoá thành một dạng siêu con người mới, theo như nhà sử học đồng thời là tác giả best-selling Yuval Harari trong cuốn sách mới của ông, Homo Deus: A Brief History of Tomorrow (tạm dịch: Homo Deus: Lịch sử vắn tắt của tương lai.) Điều này quả là tuyệt vời, trừ việc chúng ta có thể ngày càng trở nên lệ thuộc vào những công cụ này đến nỗi giống loài của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa – giá trị của chúng ta được quyết định chỉ bởi dữ liệu chúng ta tổng hợp. Chúng tôi đã nói chuyện với tác giả Harari về cuộc sống tương lai được miêu tả trong phim “Ma trận” này trước khi ông thực hiện chuyến nghỉ dưỡng hàng năm.
Q: Trong cuốn sách của mình ông dự đoán sự hình thành của hai tôn giáo hoàn toàn mới. Đó là những tôn giáo gì?
A: Chủ nghĩa công nghệ-nhân văn nhắm tới việc gia tăng sức mạnh của con người, tạo ra sinh vật cơ khí hoá (cyborg) và kết nối con người với máy tính, nhưng nó vẫn công nhận rằng những sở thích và ham muốn của con người là tối cao trong vũ trụ.
Dữ liệu giáo là một hệ thống đạo đức mới mà trong đó loài người là loài đặc biệt và quan trọng bởi vì cho tới bây giờ chúng ta là hệ thống xử lý dữ liệu tinh xảo nhất trong vũ trụ, nhưng điều này không còn đúng nữa. Điểm bùng phát xảy ra khi có một thuật toán ngoại lai mà hiểu được bạn – cảm xúc, lựa chọn, đam mê – rõ hơn cả bạn hiểu chính mình. Đó chính là điểm có sự chuyển đổi giữa việc nâng cấp con người và việc khiến cho con người không có ý nghĩa.
Q: Ông có thể giải thích rõ hơn không?
A: Lấy ví dụ Google Maps hoặc Waze. Một mặt chúng nâng cao khả năng của con người – bạn có thể tới điểm cần đến nhanh hơn và dễ dàng hơn. Nhưng đồng thời bạn chuyển giao quyền lực cho thuật toán và đánh mất khả năng tự tìm đường.
Q: Điều này có ý nghĩa gì với Homo sapiens?
A: Chúng ta trở nên ít quan trọng hơn, hoặc thậm chí vô nghĩa. Trong kỷ nguyên con người, giá trị của trải nghiệm đến từ bên trong bạn. Trong kỷ nguyên dữ liệu, ý nghĩa được tổng hợp bởi một hệ thống xử lý dữ liệu bên ngoài. Bạn đến một nhà hàng Nhật Bản và ăn một món ngon, và điều cần làm là chụp một bức ảnh bằng điện thoại, đăng nó lên Facebook và theo dõi xem bạn có bao nhiêu likes. Nếu bạn không chia sẻ trải nghiệm của bản thân, nó không trở thành một phần của hệ thống xử lý dữ liệu, và nó không có ý nghĩa.
Q: Liệu sự dịch chuyển sang chủ nghĩa dữ liệu có ảnh hưởng gì tới chính trị không?
A: Trong thế kỷ 20, chính trị là một chiến trường của những tầm nhìn to lớn về tương lai của nhân loại. Những tầm nhìn này được nhìn thấy trong cuộc Cách mạng Công nghiệp và câu hỏi lớn được đặt ra là cần phải làm gì với những công nghệ mới như điện, tàu hoả và radio. Bất kể điều gì bạn nói về những nhân vật như Lenin hay Hitler, bạn không thể phủ nhận rằng họ có tầm nhìn. Ngày nay, không ai trong lĩnh vực chính trị có điều đó; công nghệ đang phát triển quá nhanh, và hệ thống chính trị không thể cắt nghĩa được nó.
Q: Vậy ai sẽ cắt nghĩa được nó?
A: Nơi duy nhất bạn nghe thấy những tầm nhìn rộng lớn về tương lai nhân loại là Thung lũng Silicon, từ Elon Musk tới Mark Zuckerberg. Rất ít người khác có những tầm nhìn vĩ mô tương tự. Hệ thống chính trị đang không làm được nhiệm vụ của nó.
Q: Vậy những công ty công nghệ sẽ trở thành những kẻ thống trị mới, hoặc thậm chí chúa?
A: Nói về Chúa và tôn giáo chính là đặt câu hỏi về quyền lực. Nhà cầm quyền cao nhất mà bạn tìm đến khi có vấn đề với cuộc sống là ai? Một ngàn năm trước bạn sẽ tìm tới nhà thờ. Ngày nay, chúng ta kỳ vọng các thuật toán sẽ cho chúng ta câu trả lời – hẹn hò với ai, sống ở đâu, giải quyết vấn đề kinh tế như thế nào. Vì vậy ngày càng nhiều quyền lực đang rơi vào tay những công ty này.
Q: Chúng ta có thể tách ra không?
A: Câu trả lời đơn giản nhất là không. “Unplug” sẽ trở nên cực kỳ khó khăn, vì nó sẽ liên quan đến y tế – khi ấy sẽ càng ngày càng phụ thuộc vào những cảm biến có kết nối Internet. Con người sẽ sẵn sàng đánh đổi sự riêng tư đế có dịch vụ y tế mà nói cho họ biết ngày đầu tiên tế bào ung thư bắt đầu di căn trong cơ thể họ. Vậy nên chúng ta có thể đạt tới điểm mà ngắt kết nối là điều không thể.
Q: Chúng ta có thể hy vọng vào điều gì?
A: Có rất nhiều điều đáng để hy vọng. Trong vòng 20 đến 30 năm tới hàng trăm triệu người không được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sẽ được tiếp cận các bác sĩ trên điện thoại của họ với dịch vụ tốt hơn bất kỳ dịch vụ hiện tại nào. Xe không người lái sẽ không xoá bỏ tai nạn, nhưng sẽ giảm thiểu đáng kể số lượng đó.
Q: Pheww… vậy là chúng ta xong đời rồi?
A: Loài người đã chứng minh khả năng đối diện với thử thách tạo ra bởi những công nghệ nguy hiểm mới – trong những thập niên 1950 và 60 rất nhiều người nghĩ rằng Chiến tranh lạnh sẽ kết thúc bằng thảm hoạ hạt nhân. Điều đó đã không xảy ra. Sau hàng ngàn năm, khi mà chiến tranh có vẻ như là một phần thiết yếu của bản chất con người, chúng ta đã thay đổi cách vận hành của chính trị thế giới. Tôi hy vọng chúng ta cũng sẽ có thể đối mặt với thử thách của công nghệ như trí tuệ nhân tạo và công nghệ gen, nhưng chúng ta không có chỗ cho sai lầm.
Trạm Đọc
Theo Wired
>> Đọc thêm: Trích dẫn chương Dẫn nhập cuốn sách Homo Deus: A Brief History of Tomorrow
>> Đọc thêm: Muốn cưới vợ, hỏi Google: Dữ liệu – thầy bói của thời đại