Bạn muốn thay đổi nhưng cảm thấy thật khó khăn để cam kết với các quyết định? Bạn có thường tin vào “vận đen, may mắn, ông trời” hơn là sức mạnh của bản thân? Bạn không biết xử lý ra sao với những cảm xúc tiêu cực cản trở kế hoạch của mình?
Trong cuốn sách huyền thoại “Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn”, chúng ta sẽ học được cách tạo lại những thay đổi tích cực và giúp bạn trở thành con người mà mình luôn khao khát. Với hiểu biết sâu sắc, diễn giả truyền cảm hứng Anthony Robbins chứng minh rằng mỗi chúng ta đều có khả năng kiểm soát cuộc sống và tự đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Nhưng trước hết, bạn cần hiểu rằng để thay đổi cuộc sống, bạn cần tập trung vào việc đưa ra những quyết định đúng đắn. Lần cuối bạn nghĩ về việc thay đổi là khi nào? Có lẽ đúng đêm giao thừa, bạn quyết tâm bỏ đi những thói quen không tốt như dậy muộn, chơi game, ăn vặt… Hoặc có thể bạn muốn giảm cân và cân nhắc nghiêm túc việc thực hiện chế độ ăn kiêng mới. Nhưng bạn có duy trì được những lời hứa này không, hay chỉ được vài ngày mọi việc lại đâu vào đó?
Nếu câu trả lời là Không, thì vấn đề có thể nằm ở “quy trình thay đổi” của bạn. Để thay đổi bất cứ điều gì, trước tiên bạn cần đưa ra mục tiêu rõ ràng. Sau đó, với bất kể chướng ngại nào mới xuất hiện, bạn vẫn phải đảm bảo bám sát mục tiêu ban đầu, nhưng có thể chọn thay đổi phương án thực hiện.
Hãy thử lấy ví dụ về Soichiro Honda, người sáng lập tập đoàn Honda. Khi còn là một học sinh, ông đã ước mơ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất động cơ. Lịch sử cho thấy tham vọng của ông đã thành hiện thực, nhưng trên con đường dẫn đến vinh quang, ông đã gặp phải nhiều vấn đề nan giải đòi hỏi sự linh hoạt trong tư duy giải quyết vấn đề.
Ví dụ, trong Thế chiến II, chính phủ Nhật Bản không thể cung cấp bê tông mà ông cần để xây dựng các nhà máy sản xuất. Làm thế nào ông vượt qua trở ngại đó? Giải pháp của Honda là tự phát minh ra cách chế tạo bê tông rồi bắt tay vào xây dựng đế chế của riêng mình. Một bước đi vòng, nhưng cần thiết.
Kiên trì theo đuổi một mục tiêu sẽ luôn là thách thức khó khăn, nhưng khi bạn càng làm nhiều, nó càng trở nên dễ dàng hơn. Tuy chắc chắn bạn sẽ gặp thất bại, nhưng đừng nản lòng. Thay vào đó, hãy nghĩ về những gì kinh nghiệm bạn có thể rút ra từ những lần vấp ngã.
Ví dụ, những người cai thuốc hiếm khi thành công trong lần đầu. Nhưng họ có thể sử dụng thất bại này như một cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về thói quen của mình (ví dụ, cám dỗ sẽ mạnh hơn khi ở xung quanh những kẻ hút thuốc khác). Từ đó, họ có thể vượt qua khó khăn này trong tương lai (tránh xa những nơi mà người hút thuốc hay tụ tập), và hoàn thành mục tiêu của mình.
Một ý tưởng lớn khác của cuốn sách là tìm cách tạo thói quen mới bằng cách liên kết hành vi với cảm xúc đau đớn và vui vẻ. Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều vì né tránh nỗi đau và mưu cầu khoái lạc. Vì vậy, nếu bạn muốn phá vỡ một thói quen xấu, một phương pháp hiệu quả là liên kết hành vi đó với nỗi đau.
Ví dụ, bạn muốn ngừng ăn sô cô la. Hãy kết nối nó với một nỗi thống khổ về tinh thần. Bạn có thể buộc mình sống theo quy tắc: bất cứ khi nào ăn sô cô la, tôi sẽ phải hát một bài mà mình ghét nhất. Bộ não của bạn sẽ sớm liên kết hành động ăn với cảm giác khó chịu khi buộc phải hát. Nhưng hãy nhớ rằng: bạn cần phải sống với quy tắc này, kể cả khi đang ở giữa một bữa tiệc đông người.
Ngoài ra, bạn cũng cần thiết lập một thói quen mới, hấp dẫn hơn để thay thế, nếu muốn thay đổi diễn ra lâu dài. Để cắt cơn thèm sô cô la, bạn phải tạo một cơn thèm khác để thay thế.
Nó có thể là một số món lành mạnh hơn, chẳng hạn như một loại trái cây yêu thích. Bạn cũng có thể tưởng tượng thêm những điều tuyệt vời sẽ đến khi thói xấu này được loại bỏ. Ví dụ, nếu từ bỏ sô cô la, bạn sẽ sớm có thể mặc vừa chiếc váy cỡ S ngày xưa.
Sự hiệu quả của kỹ thuật này đã được chứng minh khi nó giúp rất nhiều người phá vỡ cả những thói quen cố hữu nhất. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã đã đánh giá khả năng tái nghiện của những người nghiện ma túy. Họ phát hiện ra rằng khi có một thói quen thay thế – chẳng hạn như một mối quan hệ hoặc một sở thích mới – những người này sẽ ít có khả năng nghiện trở lại.
Cuốn sách không chỉ đưa ra những lời khuyên bề mặt, mà còn giúp bạn hiểu sâu hơn về cơ chế cảm xúc để giành quyền kiểm soát chúng. Chúng ta có xu hướng dễ bị cuốn đi bởi những gì tiêu cực. Ví dụ, bạn có thể nổi giận với chồng, nhưng nếu suy nghĩ kĩ hơn, nguyên nhân của cơn tức thực ra chỉ là do bạn có một ngày làm việc quá vất vả.
Ngay sau khi xác định được nguyên nhân gốc, bạn có thể thay đổi cảm xúc của bạn bằng cách mô tả chúng khác đi. Ví dụ, thay vì cáu gắt, bạn có thể nhẹ nhàng nói rằng “Hôm nay là một ngày dài và em chỉ muốn được nghỉ ngơi thôi”. Điều này sẽ giúp tránh làm ‘xung đột’ leo thang, và giúp bạn dễ dàng vượt qua nó hơn.
Nhưng hiểu nguyên nhân chỉ là bước đầu. Bước tiếp là một thách thức lớn hơn: bạn phải hành động để sửa chữa nó. Vì vậy, nếu bạn biết ‘không phải mình buồn chán công việc, chỉ là mình đang cô đơn,’ bạn có thể đơn giản hãy nhấc máy và gọi cho một người bạn cũ. Đừng chỉ nhìn triệu chứng, hãy đi tìm căn bệnh.
Cuốn sách cũng nhắc nhở mọi người rằng việc thay đổi thế giới bắt nguồn từ việc thay đổi chính mình. Lấy ví dụ về một quyết định bình thường như chọn nấu cơm, thay vì đặt đồ ăn: nhờ đó, bạn đã tránh sử dụng đồ nhựa và túi ni lông không cần thiết rồi. Ngoài ra, nếu đã học được cách kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc, bạn có thể bắt đầu giúp đỡ người khác làm điều tương tự. Ví dụ, chỉ cần mỉm cười với những người bạn gặp, tâm trạng của họ có thể sẽ khá lên và từ đó lan truyền nụ cười với những người khác.
Tóm lại, bạn hãy nhớ rằng ngay cả những quyết định và thay đổi nhỏ trong hành vi cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của bạn. Hãy đọc cuốn sách và “Đánh thức con người phi thường trong bạn” để khai phá tiềm năng và sống một cuộc đời trọn vẹn nhất.
>> Đọc thêm Trích đoạn: Mười Ngày Thử Thách Tâm Trí