Thừa Thiên – HuếTrong kháng chiến, ngoài việc xây dựng lực lượng du kích tại chỗ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng miền Nam.
Ngày 29/12, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngay tại chính quê hương ông, nơi ghi dấu một thời đấu tranh của Đại tướng.
Mở đầu hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Trong hai năm 1947-1948, với chức danh Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Nguyễn Chí Thanh được mệnh danh là “Tướng du kích”, là linh hồn của mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa. Trong bối cảnh nhiều cơ quan, tổ chức đảng bị thiệt hại nặng nề do địch tập trung lực lượng đánh phá, ông đã quán triệt cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang phải bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, phong trào cách mạng ở mặt trận Bình Trị Thiên phục hồi và phát triển mạnh mẽ, liên tiếp giành thắng lợi.
Được điều động vào quân đội năm 1950, ông đã góp phần khẳng định, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị. Sau 9 năm, Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng, chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1960, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền Bắc mà còn với cách mạng cả nước. Những năm 1961-1964, với cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Đại tướng đã “bám đội, lội đồng” với nông dân, có mặt ở các hợp tác xã, nông trường. Tên tuổi của ông gắn liền những phong trào, hình mẫu sản xuất như “gió Đại Phong”, “Thi đua Ba Nhất”, “Phá xiềng ba sào”… đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến bước vững chắc. Từ đây, ông cũng được gọi bằng cái tên “Đại tướng nông dân”.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng ở đây. Thời điểm này, Mỹ đổ quân vào miền Nam và thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, dư luận trong nước và quốc tế cũng xuất hiện lo lắng, bất an, e ngại sức mạnh của Mỹ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích và chỉ rõ “Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược; Mỹ có một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn; Mỹ là tỷ phú về đôla, nhưng quân và dân ta lại là tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; Ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng”.
Ngoài việc xây dựng lực lượng du kích tại chỗ, ông đề xuất xây dựng các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng miền Nam, tạo nên “quả đấm chủ lực mạnh” dành cho Mỹ ở những trận then chốt. “Bây giờ du kích cũng quan trọng, bộ đội địa phương cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải có chủ lực mạnh đủ sức tiêu diệt từng tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của địch”, Đại tướng chủ trương.
Được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Trung ương Đảng, các đơn vị chủ lực Miền đã phát triển nhanh chóng. Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, đội đặc công, biệt động phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động.
Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi),… giữa năm 1965, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân tổng lực “tìm và diệt” mang tên Junctinon City đã làm nức lòng dân cả nước. Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, địa phương, Đại tướng đưa ra quyết sách góp phần quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị hoạch định đường lối đánh thắng giặc Mỹ như: “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt, “Cứ đánh Mỹ rồi sẽ tìm ra cách thắng Mỹ”, lập các “Vành đai diệt Mỹ”. Phương châm tác chiến “nắm thắt lưng địch mà đánh” trở thành chiến thuật trên khắp chiến trường miền Nam; ở gần, đánh gần, đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong của bộ đội trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch, giành thế chủ động tiến công.
Đầu năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Bộ Chính trị , Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, họp bàn kế hoạch đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày 6/7/1967, ông đột ngột qua đời sau một cơn đau tim, đúng lúc chiến trường miền Nam đang ác liệt, rất cần người lãnh đạo.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói, hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất. Ông không ngừng cống hiến, hy sinh trọn đời cho lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng công tác ở nhiều vị trí như Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ uỷ Trung Bộ, Uỷ viên Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, được cử vào Tổng bộ Việt Minh; Bí thư Khu uỷ IV; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân uỷ; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I – III; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa II, III.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-tuong-tao-nen-qua-dam-chu-luc-tren-chien-truong-mien-nam-4694959.html