Cơn lũ sau 16 năm
Những đám tang ở Làng Nủ không kèn trống, không đủ người khiêng quan tài, cũng không đủ người đào huyệt. Mộ phần không dấp rào, chỉ có cành cọ che đầu, theo tục lệ của người Tày. Ba chồng áo quan xếp cạnh nhau đặt ở Nhà văn hoá, nơi vốn tổ chức những nghi lễ quan trọng của làng. Trong cơn mưa nặng hạt, những cỗ quan tài được chở bằng xe máy dần ngược dốc lên đồi lúc trời sẩm tối.
Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp đôi mắt đỏ ngầu, ghi tên những người đã mai táng gần kín hai trang vở học sinh. Ông đã nhiều ngày cùng lực lượng chức năng “vẽ” lại sơ đồ làng, đánh dấu vị trí từng hộ, số nhân khẩu để phục vụ tìm kiếm.
“Vị trí bị lũ quét không nằm trong danh sách thông báo di dời vì nơi này vốn bằng phẳng, nhà xây to cao đàng hoàng. Nhưng cuối cùng, chỗ mà mình không nghĩ đến lại là nơi ảnh hưởng nặng nhất”, ông Diệp nói. Chính ông cũng mất hai người họ hàng. Nhà nứt, ông cùng mấy anh em phải trú nhờ điểm trường mầm non.
Người Làng Nủ cũng chung suy nghĩ với trưởng thôn. Họ vẫn nhớ rõ trận lũ lịch sử ngày 8/8/2008, sau cơn bão Kammuri. Năm đó, số người chết và mất tích tại Lào Cai chiếm gần hai phần ba thiệt hại của cả miền núi phía Bắc. Dù lũ từ núi Voi ập về, cuốn trôi hai bên bờ suối, mất trắng hoa màu, nhưng Làng Nủ không mất người. Từ đó, ngày 8/8 âm lịch hàng năm trở thành ngày “được sống lại” của làng, là dịp để người dân làm “mâm cơm cúng tạ ơn tổ tiên đã che chở”.
Sau trận lũ ấy, khu vực này được coi là nơi lý tưởng để người dân đến tránh trú. 16 năm sau, lịch sử lặp lại, nhưng chỉ toàn nước mắt đau thương. “Hôm ấy (10/9) cũng mùng 8 tháng 8 âm lịch”, trưởng thôn Diệp nói.
Bí thư chi đoàn kiêm thành viên tổ an ninh cơ sở Hoàng Thị Quyến đêm 9/9 đi vận động những hộ có nguy cơ sạt lở đến nhà mình trú tạm khi mưa suốt hai ngày không dứt. Giờ bà cũng nằm trong danh sách 13 người mất tích đến nay chưa tìm thấy.
“Trăm năm nay, chưa bao giờ tỉnh Lào Cai ghi nhận số người chết lớn đến như vậy”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường lạc giọng, nói với báo chí.
Đây không phải nơi duy nhất hứng chịu thiên tai sau Yagi. 80% số người chết và mất tích trên cả nước thuộc ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, và Yên Bái – những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ quét và sạt lở. Riêng Lào Cai chiếm tới 45% tổng thiệt hại.
Khu vực này vốn có nguy cơ sạt lở cao do địa hình dốc và nằm trên các đứt gãy địa chất đã tồn tại hàng chục triệu năm. Khi lượng mưa lên tới 500 mm trong thời gian ngắn, các đồi núi trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
13 ngày sau lũ quét tại Làng Nủ, trên đồi sim cách đó ba cây số, máy ủi đã vào vị trí san lấp mặt bằng. Kế hoạch tái thiết làng mới bắt đầu hôm 16/9 với mục tiêu hoàn thành trước 31/12 theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
40 ngôi nhà sẽ được xây dựng cho các hộ dân bị vùi lấp hoặc đang sống trong khu vực không an toàn. Hôm được hỏi ý kiến, toàn bộ dân làng đều đồng thuận, chỉ có một yêu cầu: “Tránh núi cao, không ở ven suối”.
Anh Hoàng Văn Thới hiện vẫn ở nhờ người thân, không dám về nhà. Trên bức vách tường nhà anh vẫn treo hình cưới của vợ chồng, ảnh con gái tốt nghiệp mầm non, cùng giấy khen, chứng nhận Cháu ngoan Bác Hồ. Con bé mới khai giảng một tuần. Bộ sách giáo khoa lớp Một vẫn còn thơm mùi giấy mới. Nhà hảo tâm đến tặng quà, Thới không nhận, lặng lẽ giải thích: “Con không còn, lấy về cho ai?”.
12 ngày sau trận lũ quét, đứa con cuối cùng của anh được tìm thấy. “Thằng cu út” đã được “về nhà”, yên nghỉ bên mẹ và các chị, như ước nguyện của người cha.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trong-mat-bao-yagi-4795556.html