Hà NộiNghe bước chân anh Hưởng và tiếng lách cách mở cửa chuồng lúc nửa đêm, con Pocka không sủa, chỉ quẫy đuôi sẵn sàng đợi lệnh.
Những cuộc điện thoại đến vào đêm muộn ít làm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưởng, huấn luyện viên Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, huyện Ba Vì, bất ngờ vì biết sắp có nhiệm vụ được giao. Cả anh và con Pocka luôn sẵn sàng nhận lệnh.
Anh Hưởng nhớ mãi cuộc gọi đêm 13/10/2020, thời điểm miền Trung chìm trong mưa lũ. Hai trận sạt lở liên tiếp đã vùi lấp 13 cán bộ tại Trạm kiểm lâm 67 khi vào cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bước sang ngày tìm kiếm thứ hai chưa có kết quả, chó nghiệp vụ được điều động vào hiện trường tìm người mất tích.
Trong hành trang chuẩn bị vào Rào Trăng, anh Hưởng nhét thêm lương khô cho người, cám khô, thịt hộp cho chó nghiệp vụ. Giữa đêm, chiếc xe biển đỏ chở 7 quân nhân cùng 3 chó nghiệp vụ rời Ba Vì hướng thẳng Thừa Thiên Huế. Những cơn mưa trắng trời dọc đường đi chỉ là khởi đầu cho chuỗi thiên tai, sạt lở, bão lụt liên tiếp mà miền Trung phải hứng chịu trong suốt tháng 10/2020.
Chó nghiệp vụ tham gia chuyến đi ấy đều là tinh tuyển. Trong đó Pocka 7 tuổi, dòng becgie Đức, có chiếc mũi thính nhạy, từng tìm kiếm du khách người Anh mất tích ở Sa Pa (Lào Cai) đến lũ quét ở Nặm Păm (Sơn La).
Nhiều năm đi cứu hộ, đánh án ma túy, truy lùng tội phạm, nhưng nhiệm vụ lần này đè nặng lên vai những người lính, bởi trong 13 cán bộ gặp nạn hơn một nửa là quân nhân. Anh Hưởng cố chợp mắt, nhớ đến lời dặn của lãnh đạo Khoa Giám biệt nguồn hơi, rằng quan sát kỹ hiện trường sạt lở để xác định vị trí trọng điểm, không xua chó tìm khắp nơi. Xác định vị trí nào thì cho kiểm tra chéo chỗ đó.
“Pocka là đứa già dặn, bình tĩnh nhất sẽ giữ vị trí đầu đàn để hướng dẫn những con còn lại. Nó phát hiện thấy nguồn hơi thì những con khác có cơ sở tìm. Chúng sẽ hợp đồng tác chiến để cùng kiểm định”.
Đoàn vào tới Tiểu khu 67 sau hơn 10 tiếng di chuyển gần như không nghỉ, bắt đầu tìm kiếm chiều 14/10. Khoảng 2 triệu mét khối đất mềm sụp xuống lấp đi mọi dấu vết, gần như vô hiệu hóa nỗ lực tìm kiếm của hàng trăm công binh và máy múc. Nhưng tất cả vẫn chạy đua với thời gian bởi dự báo sắp có thêm đợt mưa lớn, những quả đồi ngậm nước có thể bở bục bất cứ lúc nào.
“Tìm!”, ba chú chó chia nhau lùng sục hiện trường sau khẩu lệnh của huấn luyện viên. Pocka dẫn đầu, sục mũi sát đám bùn lầy nhão nhoẹt mà đánh hơi. Có lúc sa chân vào sình lầy, bộ đội phải bắc ván cho nó leo lên. Anh Hưởng thi thoảng ghìm dây cương, ra hiệu cho Pocka tạm dừng để lau chiếc mũi dính bùn đất, kiểm tra chân không bị thương mới tiếp tục tìm kiếm. Ngày đầu tiên, đội quân khuyển tìm được vị trí đoàn cán bộ từng nấu ăn.
“Người ngoài có thể không biết, nhưng huấn luyện viên nhìn phản xạ của chó khi phát hiện nguồn hơi sẽ hiểu. Dưới vị trí mà chó đào bới lên có khi là vật dụng, xác động vật hay một phần thi thể cũng đã đạt yêu cầu. Bởi đây là cơ sở mở rộng tìm kiếm ở một khu vực rộng hơn”, anh Hưởng giải thích.
Trưa 15/10, Pocka phát hiện tiếp vị trí có nguồn hơi, sủa vang báo hiệu cho huấn luyện viên. Từ vị trí này, bộ đội đào sâu và tìm được nạn nhân đầu tiên. Khu vực tìm kiếm nới rộng dần. 13 nạn nhân lần lượt được tìm thấy trong hơn 5 tiếng sau đó, dưới lớp đất đá sâu 2-3 m.
Các đợt sạt lở diễn ra khắp miền Trung, kéo dài hết tháng 10 khiến chó nghiệp vụ liên tục được huy động vào hiện trường. Chỉ 10 ngày, ba tổ công tác nhận lệnh tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ sạt lở tại Tiểu khu 67; thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế); tìm kiếm 22 quân nhân bị vùi lấp ở Hướng Hóa (Quảng Trị).
Thao trường huấn luyện ở Ba Vì sau các đợt cứu hộ có vài thay đổi, cường độ lẫn độ khó các bài thực hành nâng dần lên. Bộ đội dựng mô hình như tòa nhà sụp đổ, sạt lở đất, mang chó ra ao hồ, lội trong bùn lầy cho quen địa hình khi đi cứu hộ.
“Mấy năm nay, thời tiết, thiên tai diễn biến khó lường nên nhiệm vụ cứu hộ ngày càng phức tạp. Trường xây dựng tình huống, bài tập sát thực tế để huấn luyện viên lẫn chó nghiệp vụ làm quen, không bị ngợp”, thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, huấn luyện viên Khoa Giám biệt nguồn hơi, lý giải.
Việc “học đi đôi với hành”, theo thiếu tá Nghĩa, phát huy tác dụng trong chuyến cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2. Sáu chó nghiệp vụ trở thành trinh sát đắc lực giúp bộ đội Việt Nam định vị chính xác 31 điểm, 15 vị trí có nguồn hơi, tìm được 36 nạn nhân và 2 trong số đó còn sự sống.
Trong những lần đối mặt với tội phạm, những chú chó chiến đấu trở thành “vũ khí nhóm 1” hỗ trợ bộ đội trấn áp đối tượng. Cuối tháng 4/2022, thiếu tá Nghĩa dẫn học viên cùng chó nghiệp vụ đi thực tập tại Đồn biên phòng Si Pha Phìn (Điện Biên) đã trực tiếp vây bắt kẻ buôn bán ma túy.
Trưa hôm đó, Bộ đội biên phòng Điện Biên nhận tin báo có người mặc quần áo kiểm lâm, đi xe máy vượt biên sang Lào vận chuyển ma túy. Phương án đánh bắt được đưa ra, giao tổ anh Nghĩa cùng hai chó nghiệp vụ phục kích. Chiều cùng ngày, tổ công tác hành quân lên biên giới chờ đối tượng quay về. Hai chú chó được giao chặn đầu, chặn đuôi, nằm im chờ hiệu lệnh suốt ba tiếng. Gần 18h, chiếc xe máy vượt qua biên giới Lào vào đất Việt Nam.
“Diệt!”, thiếu tá Nghĩa phát khẩu lệnh tấn công khi chiếc xe máy cách tổ phục kích hơn chục mét. Chú chó tên Kay lập tức lao lên phía trước vồ lấy người, cùng lúc bộ đội biên phòng vây bắt. Con còn lại canh giữ, ngăn không cho hắn tẩu thoát. Đối tượng sau đó bị khống chế, bộ đội biên phòng thu giữ 600 viên ma túy tổng hợp, 2 cây heroin cùng vũ khí mang theo.
“Nếu không có chó nghiệp vụ thì khó bắt đối tượng này vì hắn là kiểm lâm, thạo đường rừng núi, đã chọn buôn ma túy thì rất liều lĩnh”, thiếu tá Nghĩa kể.
Tùy nhiệm vụ khác nhau, bộ đội sẽ tuyển chọn dòng chó phù hợp để tham gia. Becgie Đức to khỏe, hung hãn dùng trong chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; malinos thần kinh linh hoạt, mũi thính giỏi đánh hơi phát hiện ma túy.
Lúc huấn luyện chiến thuật, chó chiến đấu luôn phải theo sát bên chủ để sớm phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, sẵn sàng lao lên khi nghe khẩu lệnh. Khi trinh sát hoặc phục kích, chó nằm sát chủ, không phát ra tiếng động. Lúc đối diện kẻ có vũ khí nguy hiểm, chó có thể đánh lạc hướng hoặc uy hiếp để bộ đội xử lý.
Trong đội hình tuần tra, chó chiến đấu thường đi trước, đánh hơi dấu vết lạ, theo sau là chó phát hiện ma túy. Khi lập đội phục kích, chó được phân vào các tổ đánh chính, đánh chặn đầu và tổ khóa đuôi. Tổ đánh chính thường có 3-5 con tùy nhiệm vụ.
Khẩu lệnh mỗi chuyến xuất quân cứu hộ hay đánh bắt tội phạm chỉ một chữ “Tìm”, “Tiến” hoặc “Diệt”. Nhưng để chó thành thạo và làm theo phải mất ít nhất 6 tháng khổ luyện, thấm cả mồ hôi lẫn máu trên thao trường.
Hồng Chiêu – Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trinh-sat-mat-tinh-tai-thinh-cua-bien-phong-4693693.html