Ngày 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, tặng quà thầy cô giáo và học sinh tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội nhân dịp quốc tế thiếu nhi 1/6.
Thủ tướng khẳng định trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Thời gian qua, dưới sự quan tâm của các cấp ủy, trẻ em khuyết tật đã được chăm lo, theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Đây cũng là minh chứng cho việc không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà lấy con người làm trung tâm, là nguồn lực phát triển”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Theo ông, nguồn lực dành cho chăm sóc trẻ em khuyết tật được huy động từ cả ngân sách nhà nước và những tấm lòng hảo tâm. Hà Nội và các địa phương đã thực hiện đầy đủ cơ chế, chính sách cho trẻ em đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật và chủ động ban hành chính sách đặc thù để chăm sóc tốt hơn các cháu.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay dù còn nhiều khó khăn, các thầy cô của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội đã nỗ lực dạy tốt các cháu. Ngoài học văn hóa, các cháu còn được học tin học, được hướng nghiệp dạy nghề, kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ để hòa nhập cộng đồng.
“Tôi vui mừng được biết các thầy cô giáo ở đây đã thực sự trở thành người cha, người mẹ, luôn kiên trì, bao dung, nhẫn nại để dạy dỗ, chia sẻ với thiệt thòi của các cháu. Sau khi được nuôi dưỡng tại trung tâm, có những cháu được gia đình cho đi học tiếp cấp 2, hoặc được tạo việc làm với thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật để cải thiện nơi học tập, sinh hoạt cho trẻ em. Hiện nay, trung tâm chăm sóc cho 130 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, trong đó 62 cháu câm điếc, 44 cháu khuyết tật trí tuệ, 7 cháu khuyết tật vận động, 17 cháu tự kỷ, tăng động. Trung tâm cũng tổ chức 11 lớp học văn hóa cho trẻ.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; chấm dứt hiện tượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và tình trạng giáo viên có hành vi không đúng mực, bạo lực hay xâm hại với trẻ em.
Ông yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đặc thù, như chữ nổi, thiết bị hỗ trợ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ. Với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các cấp cần thực hiện đầy đủ chính sách cho các em.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-dong-vien-tre-em-khuyet-tat-nhan-dip-1-6-4752816.html