TP HCM6 sếu đầu đỏ sau khi đưa từ Thái Lan sang Việt Nam đã được Thảo Cầm Viên, quận 1, tiếp nhận để cách ly, chăm sóc.
Ngày 11/4, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết 6 sếu gồm 3 trống và 3 mái, khoảng 7 tháng tuổi, được chở bằng máy bay tới TP HCM vào tối qua. Sau khi đáp sân bay Tân Sơn Nhất, chúng được đưa tới Thảo Cầm Viên, nuôi trong chuồng cách ly chuyên dụng, hạn chế người, theo dõi bằng camera. Sau khoảng 2 tuần, đàn sếu được đưa về Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) để bảo tồn.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Đồng Tháp hoàn tất các thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất để đưa sếu (đựng trong thùng gỗ bên phải) tới Thảo Cầm Viên. Ảnh: Nguyễn Khánh
Việc đưa sếu về nằm trong đề án bảo tồn sếu được tỉnh Đồng Tháp lên kế hoạch gần hai năm trước. Đề án đặt mục tiêu trong 10 năm sẽ nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Tỉnh này đặt kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gầy đàn ngoài tự nhiên.
Trước đó Tràm Chim và Thảo Cầm Viên cũng hoàn tất chuồng nuôi đạt yêu cầu để chăm sóc sếu. Vườn quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn chăm sóc sếu tại Thái Lan. Đàn sếu được nuôi mà không thấy mặt người để không quấn quýt con người khi về tự nhiên. Chúng ăn thức ăn công nghiệp chuyên, đồng thời được huấn luyện bắt cá, cua để giữ bản năng hoang dã.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, chuyên gia đồng hành cùng đề án, cho biết đây là thời điểm lý tưởng để đưa sếu về bởi hệ sinh thái Tràm Chim đang phục hồi rất tốt. Bên cạnh đó, người dân quanh vườn được nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ đàn sếu trong tương lai.
Chuồng nuôi sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Ngọc Tài
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2019 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.
Tại Thái Lan, trước đây sếu đầu đỏ đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2011, quốc gia này khởi động chương trình phát triển sếu. Đến năm 2020, khoảng 100 con sinh sống và có khả năng sinh sản ngoài tự nhiên.
Sếu Đầu Đỏ trong lần về Vườn quốc gia Tràm Chim năm 2019. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng
Thảo Cầm Viên có lịch sử hơn 160 năm, là điểm đến quen thuộc của người dân khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận. Hiện ở đây có 1.951 cá thể động vật, 138 loài động vật, 350 loài cây thân gỗ, 20 loài cây trong sách đỏ, 100 loài động vật trong danh sách các loài quý hiếm.
Địa điểm này còn có Bảo tàng động thực vật trưng bày hơn 500 tiêu bản động vật, mẫu xương, mẫu thực vật, thú đột biến từng được chăm sóc tại đây. Bên cạnh bảo tồn, vườn thú thực hiện nhiều hoạt động cứu hộ và tái thả động vật, đồng thời tổ chức những khóa học kỹ năng sống và chương trình giáo dục về thiên nhiên môi trường cho trẻ.
Ngọc Tài – Đình Văn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thao-cam-vien-tiep-nhan-6-seu-dau-do-tu-thai-lan-4872933.html