Ngày 31/5, Quốc hội sẽ nghe tờ trình hai nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An và Đà Nẵng.
Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 119 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng – một trong năm thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, có chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang chờ hướng dẫn.
Theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội ngày 31/5, TP Đà Nẵng được đề xuất 30 chính sách đặc thù nhằm giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, tạo thuận lợi thu hút đầu tư. Theo đó, thành phố được thí điểm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thí điểm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, hạ tầng thương mại.
Điểm mới của dự thảo là thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng. Thành phố cũng được ưu tiên thu hút đầu tư, nhân lực giỏi vào lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; có chính sách đột phá về tiền lương, thu nhập.
Chính phủ cũng đề xuất HĐND thành phố có thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, người lao động trong khối hành chính không vượt quá 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc hoặc vị trí việc làm và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của đơn vị.
Nghệ An có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ tư cả nước. Tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa cao và chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; thu ngân sách chưa đạt mục tiêu; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực, thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Về dự thảo nghị quyết cho Nghệ An, Chính phủ đề xuất xây dựng 17 chính sách cụ thể, trong đó cho phép Nghệ An giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện để phát triển hạ tầng, xã hội vùng khó khăn phía Tây.
UBND tỉnh Nghệ An được giao và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước tại khu vực biển cách bờ 6 hải lý. Nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm một nửa tiền với phần diện tích làm dự án nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến cảng, khu bến cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng trở lên; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với các dự án thể thao và văn hóa. UBND tỉnh Nghệ An dự kiến có 5 phó chủ tịch, tăng một so với tỉnh loại I.
Cũng trong ngày 31/5, Quốc hội họp riêng thảo luận về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quoc-hoi-thao-luan-chinh-sach-dac-thu-cho-nghe-an-va-da-nang-4752572.html