Mất đôi chân trong lúc chống cát tặc trên sông Hậu, đại uý Trần Hoàng Ngôi (Công an tỉnh Vĩnh Long) không nhụt chí, cố gắng tập thích nghi với cuộc sống mới.
Cận Tết, đại uý Ngôi, 32 tuổi, cán bộ đội CSĐT tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Trà Ôn, nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp tại quận 8 (TP HCM) để kỹ thuật viên quấn băng tạo hình phần mõm cụt là đoạn chân dài hơn một gang tay sau khi phẫu thuật. Anh cũng được hướng dẫn cách tập vật lý trị liệu luyện cho phần thân dưới khoẻ hơn, chịu được sức nặng cơ thể để mang chân giả sau này.
Biến cố ập đến với cán bộ Công an huyện Trà Ôn gần ba tháng trước. Đêm 23/11/2023, đại uý Ngôi cùng ba đồng đội tuần tra lái vỏ lãi trên dọc sông Hậu, phát hiện ghe gỗ dài khoảng chục mét đang hút cát trái phép dưới lòng sông sâu hơn 20 m. Thành viên tổ công tác rọi đèn, bắn súng chỉ thiên, buộc dừng phương tiện để kiểm tra.
Khi đại uý Ngôi từ vỏ lãi bước lên, ghe bất ngờ nổ máy, va vào phương tiện của tổ công tác. Anh té xuống nước, theo quán tính tay ôm chặt phần đuôi ghe. Lúc này, chân vịt phía dưới ghe tạo xoáy nước cuốn lấy đôi chân. “Trong tích tắc tôi cảm nhận đau đớn ở phần dưới chân, sau đó toàn thân mất hết cảm giác”, anh nói.
Đại uý Ngôi được đồng đội sơ cứu, chuyển tới Bệnh viện TP Cần Thơ làm phẫu thuật. Tỉnh dậy anh sốc khi thấy phần thân dưới chỉ “còn đoạn xương đùi lòi ra ngoài”. Sau cú sốc tinh thần, anh phải trải qua nỗi đau thể xác khi cả hai chân bị cắt cụt. Có đêm anh không thể chợp mắt vì vết thương hành, nghĩ đến quãng đời còn lại phải sống cảnh tàn tật.
Tuy nhiên cảm giác tuyệt vọng, đau đớn được anh vượt qua sau vài ngày. Chiến sĩ 31 tuổi chấp nhận mất mát cơ thể. “Đôi chân đã mất không thể mọc lại, thay vì rầu rĩ, uỷ mị, tôi chọn cách suy nghĩ tích cực để vượt qua”, anh Ngôi nói. Sau nửa tháng nằm viện, anh được đưa về nhà để dưỡng thương. Do chưa lập gia đình trong khi bố mẹ lớn tuổi, anh được người thân và đồng đội thay nhau chăm sóc.
Cuối tháng 12/2023, đại uý Ngôi được chuyển về Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM để tập luyện. Tưởng chừng vết thương đã lành, song anh lại phải chịu đựng hội chứng Phantom pain (đau thần kinh khi cơ thể bị cắt bỏ). Anh vẫn cảm thấy đau ở bộ phận cơ thể không còn tồn tại do ảnh hưởng từ hệ thần kinh ở não. Cơn đau từ nhẹ đến nặng, cảm giác nhói từng hồi ảnh hưởng tâm lý, gây mất ngủ.
Để vượt qua, ngoài việc dùng thuốc giảm đau, anh Ngôi tập cách suy nghĩ tích cực, gặp người lạ hay quen anh đều chủ động trò chuyện, cười đùa. Khi đồng đội đến thăm, anh còn lấy chuyện cân nặng khi bị mất chân ra “cá cược chầu cà phê” tạo không khi thoải mái dù đã mất gần 1/3 trọng lượng cơ thể. Sau giờ tập, đại uý Ngôi xem các video về những người rơi vào hoàn cảnh tương tự để học hỏi cách thích nghi.
Bác sĩ Phan Minh Tuấn, Phó khoa phục hồi chức năng bệnh viện, cho biết quá trình điều trị suôn sẻ do bệnh nhân sớm chuẩn bị tâm lý chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể. Tinh thần lạc quan cũng giúp quá trình phục hồi của của anh Ngôi rất nhanh, việc tập luyện phần thân dưới thuận lợi. Hội chứng chi ma cũng ít ảnh hưởng đến anh so với người bình thường.
Sau Tết dự kiến bệnh nhân phải tập thêm hai tháng trước khi gắn chân giả. Chi phí của thiết bị này khoảng 600 triệu đồng, bệnh viện đang vận động mạnh thường quân tài trợ. Theo bác sĩ Tuấn nếu dùng loại chân giả có chất lượng tốt, anh Ngôi có thể đi lại.
Khi sức khoẻ hồi phục, đại uý Ngôi có nguyện vọng được bố trí công việc hậu cần hoặc hành chính để bản thân sống còn có ích. “Nhiều người tàn tật họ vượt lên số phận được thì bản thân mình cũng phải làm được”, anh nói.
Liên quan vụ việc trên, hôm 24/1, Công an huyện Trà Ôn đã tham mưu UBND cùng cấp phạt hành chính 50 triệu đồng đối với hai người lái ghe hút cát trái phép trên sông. Cảnh sát đang xác minh, xem xét dấu hiệu tội phạm chống người thi hành công vụ của những người này.
Đình Văn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/no-luc-vuot-nghich-canh-cua-dai-uy-lia-2-chan-khi-bat-cat-tac-4710128.html