Đồng ThápHơn 30 năm sáng chế máy móc, ông Phan Tấn Bện, 65 tuổi, được xem là “kỹ sư của nông dân” vì giúp họ tiết kiệm chi phí, sức lao động vẫn tăng năng suất.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông con ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, từ bé ông Bện đã quyết tâm học hành để vượt khó. Năm 1980, ông trở thành học sinh đầu tiên của xã đậu Kỹ sư Cơ khí, Đại học Nông Lâm TP HCM và là niềm tự hào của xóm.
Năm 1985, ông Bện tốt nghiệp, dễ dàng xin vào công ty nhà nước bởi kỹ sư cơ khí thời ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau 5 năm, nhận thấy môi trường làm việc không phù hợp, ông rời công sở. Từ số vốn mượn của người anh ruột, chàng thanh niên 30 tuổi, mở tiệm cơ khí nhỏ ở Đồng Tháp Mười.
Xưởng chỉ đủ vốn sắm một máy dầu, máy phát điện, máy khoan quay cơ, nhận hàn, sửa nhỏ cho nông dân trong vùng. “Hàn xong một mối, phải quay máy dầu 2-3 lần, buổi tối xương sườn đau nhức không ngủ được”, ông nhớ lại. Dẫu cực nhọc, tiền lời chỉ đủ sống, nhưng ông không bỏ cuộc. Ngày ngày tiếp xúc máy móc, vận dụng những gì đã học, ông thấy bản thân được “cháy” với đam mê.
Ông Phan Tấn Bện (trái) truyền thụ kiến thức cho nhân công trong xưởng. Ảnh: Ngọc Tài
Thấy nông dân than sạ lúa phải đợi nước rút, vào mùa mưa phải tát từng gàu cực nhọc, ông Bện mày mò làm máy bơm nước, được nhiều chủ ruộng tin tưởng đặt hàng. Máy bơm thay thế hoàn toàn sức người, giúp nông dân chủ động xuống giống và rút nước nhanh, cứu mùa màng.
Sau đó, ông cải tiến thùng tuốt lúa nhỏ hơn nhưng năng suất hơn, giá tiền thấp cho những nông dân ít vốn. Từ kinh nghiệm sửa thùng tuốt lúa 5 năm ròng, ông biết được bộ phận nào dễ hỏng hóc, chỗ nào có thể cải tiến và những trăn trở của chủ máy mỗi khi sa lầy, máy lớn rất nhọc công.
Ông làm ra thùng tuốt kích thước chỉ bằng một nửa thị trường, song vận hành êm, lúa sạch, hao hụt rất ít. Niềm vui của chàng kỹ sư liền bị vùi dập, vì máy khó bán. Người dân chuộng máy có thương hiệu của xưởng lớn.
Không nản chí, ông tổ chức các buổi tuốt lúa thử nghiệm để người dân tận mắt chứng kiến. Từ đó, nhiều chủ ruộng tin tưởng, mua dùng thử. Ông quyết định bán với giá chỉ 30%, bảo hành kỹ lưỡng, để tri ân người đặt niềm tin vào sản phẩm buổi đầu khởi nghiệp. Cũng từ đây, ông tự tin đặt tên Phan Tấn cho các dòng máy do mình làm ra.
Tiếng lành đồn xa, máy Phan Tấn làm không đủ bán, cao điểm một năm ông bán hơn 100 cái. Đầu những năm 2000, từ xưởng nhỏ, ông mở rộng lên gấp nhiều lần, thành lập doanh nghiệp tư nhân, tuyển mộ hơn 50 kỹ sư, công nhân vào làm việc.
“Nông dân dùng cả gia tài để mua máy, làm sao phải giúp họ lấy vốn, có lời là phương châm mà tôi luôn đeo đuổi từ lúc chỉ là xưởng cơ khí nhỏ. Nhờ vậy tôi mới trụ được với đam mê của mình”, ông Bện đúc kết.
Theo ông Bện, đặc thù của ngành cơ khí là các sáng chế, cải tiến nhanh bão hòa, bị thay thế bởi một sản phẩm ưu việt hơn. Nhiều sản phẩm của ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bán hàng nghìn máy, ăn đứt các dòng máy Trung Quốc nhập khẩu, song cũng có những dòng chỉ làm ra bán vài chiếc rồi bị khai tử. Điều đó thôi thúc ông không “ngủ quên trên chiến thắng” mà luôn tìm tòi, sáng tạo.
Cánh tay gắp bao lúa – sản phẩm mới “ra lò” của ông Bện giúp giao sức lao động. Ảnh: Ngọc Tài
Hai năm trước, sau một năm mày mò nghiên cứu, với hàng chục lần thất bại, ông sáng chế máy “2 trong 1” vừa rải chế phẩm sinh học, vừa vùi rơm rạ. Máy có kết cấu rải phân sinh học xử lý rơm rạ phía trước, phía sau băm và vùi rơm xuống đất. Giải pháp ưu việt bởi xử lý rơm rạ ngay trên đồng, không cần đốt bỏ gây phát thải khí nhà kính. Mặt khác rơm có thể xử lý ngay khi thu hoạch lúa, các chế phẩm sinh học phân hủy rơm thành chất hữu cơ, rút ngắn thời gian giữa hai vụ từ 5-10 ngày.
“Vụ rồi một nông dân khoe với tôi giải pháp vùi rơm rạ giúp tiết kiệm được 30-40% phân bón, giảm 2-3 lần phun thuốc trong khi năng suất tăng 20%. Nghe vậy tôi rất mừng vì sản phẩm của mình giúp được bà con”, ông nói.
Một sản phẩm mới “ra lò” khác của ông Bện là cánh tay gắp bao lúa đã giải quyết bài toán thiếu lao động trong nông nghiệp đặc biệt là lao động trẻ. Thay vì cần 3-5 lao động khỏe đi theo máy kéo lúa để khuân vác, cánh tay gắp lúa chỉ cần hai người, kể cả người già và phụ nữ miễn thành thạo điều khiển máy và sự khéo léo để điều hướng cho tay gắp.
Không chỉ phục vụ nông dân Việt, hai năm gần đây, ông xuất khẩu hơn 250 máy sang Philippines, Campuchia. Hàng chục năm sáng chế máy cho nông dân, điều ông Bện cảm thấy vui nhất là máy Phan Tấn hiện diện trên các cánh đồng, từ trong đến ngoài nước.
“Máy của tôi, nhìn từ đằng xa là biết liền. Tôi tự hào kỹ sư Việt chế tạo máy cho nông dân Việt và các nước dùng”, ông nói và cho biết thêm việc sáng chế, với mình còn có thêm một niềm vui khác là tạo việc làm cho hơn 100 công nhân là những thanh niên trong vùng.
Máy rải chế phẩm sinh học kết hợp băm, vùi rơm rạ tham gia đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, trình diễn tại huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Tài
Nhiều sáng chế của ông đạt giải sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh như: máy sấy đạt giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Đồng Tháp năm 2002-2003; máy gom, tuốt lúa liên hợp đạt giải đặc biệt hội thi năm 2006-2007, máy gặt đập liên hợp PT-19 giải B, hội thi năm 2008-2009.
Máy cuốn rơm của ông Bện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đồng thời bình chọn là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2017. Máy thu hoạch ngô được vinh danh trong sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016.
Nhiều dòng máy móc như máy cuộn rơm, cánh tay gắp lúa, máy rải chế phẩm sinh học, vùi rơm rạ của Phan Tấn đã được chọn tham gia đề án một triệu ha lúa chất lượng cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh thành miền Tây triển khai.
Ở tuổi 65, ông Bện vẫn luôn tìm thấy ý tưởng chế tạo máy móc từ thực tế đời sống nông dân. Hễ nông dân gặp khó chỗ nào, ông liền đặt “đề bài” và tìm lời giải. Đó cũng là niềm vui tuổi già khi việc kinh doanh đã giao lại cho các thế hệ kế cận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp Lê Chí Thiện cho biết các sáng chế máy móc của ông Bện được đánh giá cao bởi tính thực tế, hiệu quả, giúp nông dân, ngành nông nghiệp đẩy mạnh cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Thiện cũng đặc biệt ấn tượng với máy “2 trong 1” – rải chế phẩm sinh học, vùi rơm rạ Phan Tấn, bởi rất thiết thực và phù hợp đề án một triệu ha lúa chất lượng cao. “Sắp tới sở sẽ đặt hàng thêm nhiều sản phẩm của chú Bện”, ông nói.
Ngọc Tài
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-giup-chu-ruong-mien-tay-lam-nong-thanh-thoi-4873002.html