Mức thưởng cao nhất Tết Nguyên đán 2024 hơn 5,68 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần năm ngoái và cao nhất trong nhiều năm qua.
Khoản thưởng Tết Giáp Thìn cao nhất năm nay thuộc về quản lý cấp cao doanh nghiệp FDI Nhật Bản ở Long An. Trong khi đó, mức thưởng cao nhất các Tết 2023 là 1,04 tỷ; 2022 là 1,3 tỷ đồng; 2021 là 1,1 tỷ và 2022 là 950 triệu đồng.
Theo thống kê của Cục Quan hệ lao động tiền lương (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trên gần 47.400 doanh nghiệp tại 62 tỉnh thành (thiếu Quảng Trị), 61,4% doanh nghiệp thưởng Tết Nguyên đán 2024. Mức thưởng bình quân 6,85 triệu đồng mỗi người, tương đương năm ngoái.
Khoảng 56% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch 2024. Mức thưởng bình quân 1,85 triệu đồng mỗi người, tăng 49% so với năm ngoái. Tiền thưởng cao nhất 376 triệu đồng thuộc về quản lý cấp cao làm việc trong doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc.
Tiền lương bình quân lao động năm 2023 tăng trưởng 3% so với năm ngoái, đạt 8,49 triệu đồng mỗi tháng, tăng 3%. Tiền lương cao nhất là 834 triệu đồng mỗi tháng thuộc về quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Trong báo cáo của các tỉnh thành, mức thưởng dịp Tết Nguyên đán cao nhất hàng tỷ đồng và thấp nhất vài trăm nghìn đồng. Song mức này không phổ biến, là ghi nhận của doanh nghiệp với đóng góp của một số cá nhân xuất sắc.
Nhìn chung tiền thưởng bình quân Tết Nguyên đán không biến động nhiều so với năm trước, chênh nhau 100.000 đồng. So với năm ngoái, mức thưởng cao nhất tại một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ còn giảm mạnh.
Thưởng Tết không phải là khoản cứng có trong quy định của Bộ luật Lao động, không bắt buộc có mà phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2023, chịu tác động của cắt giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn gắng có thưởng Tết để giữ chân lao động.
Quý III, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, giảm trên 99.000 người so với quý II. Số này tập trung ở hai tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương 33.600 người và TP HCM 34.600 người. Số lao động nghỉ giãn việc là 54.000, giảm 187.000 người so với quý II. 66% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI; 32% thuộc ngành da giày, 31% ngành dệt may.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/muc-thuong-tet-nguyen-dan-cao-nhat-gap-5-6-nam-ngoai-4694686.html