Dựa vào tín hiệu radar cuối cùng của máy bay, kết hợp thông tin từ người dân và kiểm lâm, lực lượng chức năng đã lần ra vị trí chiếc Yak-130 rơi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Sáng 9/11, bộ đội cùng lực lượng chuyên nghiệp đang lập kế hoạch đưa xác máy bay Yak-130 khỏi khu rừng ở vườn Quốc gia Yok Đôn. Phần thân, cánh máy bay và động cơ được tháo rời cùng các mảnh vỡ sẽ được kéo ra đường lớn cách đó khoảng 600 m để đưa về đơn vị chuyên môn điều tra nguyên nhân.
Bốn hôm trước, hai phi công thuộc Trung đoàn không quân 940 trong lúc lái máy bay Yak-130 tập luyện từ sân bay Phù Cát (Bình Định) gặp sự cố không thể hạ cánh nên đã hướng phương tiện về núi rừng để đảm bảo an toàn, trước khi nhảy dù.
Sau khi giải cứu hai phi công từ rừng Hầm Hô, xã Tân Sơn, Bình Định, quân đội đã lên kế hoạch khoanh vùng khu vực máy bay rơi trải rộng ba tỉnh Bình Định, Gia Lai và Đăk Lăk. Hướng tìm kiếm tập trung vào huyện Easup, Đăk Lăk – nơi các radar ghi nhận tín hiệu cuối cùng của máy bay.
Đến sáng 8/11, kế hoạch tìm kiếm mở được nút thắt khi người dân và kiểm lâm ở khu vực buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na trình báo chính quyền phát hiện dấu hiệu bất thường đúng thời điểm máy bay gặp sự cố vào khoảng 11h ngày 6/11. Nhờ đó vị trí máy bay rơi được khoanh vùng hẹp hơn.
Ông Đào Công Nguyên, 58 tuổi, ở xã Krông Na cho biết hôm đó đang làm rẫy bỗng nghe tiếng nổ rất lớn từ phía khu rừng bên kia sông Sêrêpốk, cách nơi ông đứng khoảng 3 km. Khi đó trời mưa to, gió lớn, ông nghĩ do sét đánh nên không để ý. Đến tối, đọc tin tức trên báo chí, biết có vụ máy bay rơi nghi ở vị trí có tiếng nổ lớn phát ra, ông Nguyên đã lên xã trình báo.
Cùng với ông Nguyên, nhiều kiểm lâm viên ở Trạm kiểm lâm số 9 tại Vườn quốc gia Yok Đôn cũng nghe tiếng nổ lớn phát ra từ bên kia sông Sêrêpốk. Anh Hà Công Chương, kiểm lâm viên kể hơn 11h10 ngày 6/11, khi đang ngồi dùng bữa trưa tại nhà ăn của trạm thì nghe tiếng động lớn từ khu rừng. Nghĩ chỉ là tiếng sấm chớp, anh lờ đi, nhưng đến tối lúc đi tuần tra cùng đồng nghiệp, nhiều người dân cho biết cũng nghe tiếng nổ khác thường so với tiếng sấm sét, có thể là “một vật gì đó rất lớn lao xuống”.
Với ý kiến của người dân cùng thông tin có tín hiệu radar báo vị trí cuối cùng của chiếc Yak-130 ở huyện Ea Sup gần đó, anh Chương đã trao đổi với lực lượng biên phòng để tìm máy bay.
Qua hôm sau, kiểm lâm cùng biên phòng, lực lượng phòng không không quân bắt đầu tìm kiếm phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn nhưng không thành công. Sáng 8/11, đoàn tìm kiếm xâu chuỗi thêm thông tin từ người dân tại địa phương sau đó bàn bạc, tính toán lại và đi về hướng ngược lại của vườn quốc gia, từ trạm kiểm lâm Sêrêpốk về phía đông bắc.
Lực lượng tìm kiếm cũng huy động nhiều máy flycam của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) rà soát từ trên cao. Tuy nhiên, đang mùa mưa nên cây cối của vườn quốc gia rất xanh tốt, rậm rạp cả đoàn khó tiến sâu vào khu rừng do bị che khuất tầm nhìn.
Đến trưa 8/11, khi đoàn đang tìm theo hướng đã định trước, nhân viên bay flycam phát hiện hình ảnh của máy bay nằm ẩn dưới tán cây lớn, cách nơi anh đứng chỉ khoảng 600 m. Kiểm lâm viên cùng ba chiến sĩ không quân tiến tới, tiếp cận khu vực máy bay rơi sau đó định vị và thông báo cho lực lượng đến hiện trường.
“Xung quanh khu vực máy bay rơi cây cối không bị cháy trong khi máy bay lại được sơn màu rằn ri nên rất khó nhận ra từ xa”, anh Chương nói.
Đại tá Nguyễn Công Tuấn, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk, cho biết trước đó quân đội tập trung tìm kiếm dàn trải tại khu vực vườn quốc gia Yok Đôn. Về sau, nhờ thông tin từ vị trí người dân cung cấp khi phát hiện tiếng nổ, lực lượng đã tập trung tìm tại một khu vực cụ thể.
Khi dùng flycam rà soát trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã phát hiện xác máy bay ở khu rừng biên giới thuộc xã Krông Na. Vị trí này cách sân bay Phú Cát – nơi máy bay cất cánh khoảng 250 km, trong khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk quản lý, cách tỉnh lộ 16 khoảng 2 km về hướng Đông.
Tại hiện trường chiếc Yak-130 gặp nạn có nhiều cây lớn, xung quanh cành, lá cây phủ lên máy bay vẫn còn xanh, khả năng phương tiện chưa bốc cháy hoặc chỉ bùng lửa nhỏ. Tuy nhiên, thân máy bay bị gãy, vỡ, nhiều mảnh thân kim loại bung lên, hư hỏng. Mặt đất và thảm thực vật quanh vị trí máy bay rơi bị cày xới một khoảng rộng.
Máy bay Yak-130 do Nga sản xuất nặng khoảng 5 tấn, có hai chỗ ngồi, phục vụ huấn luyện, song có thể dùng chiến đấu với khả năng trinh sát, tấn công tầm trung. Máy bay được trang bị cho Trung đoàn 940 từ năm 2021.
Nhóm phóng viên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/manh-moi-giup-tim-thay-may-bay-yak-130-roi-o-dak-lak-4814109.html