Long AnTận dụng đất vườn bỏ hoang, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, 27 tuổi lót bạt nuôi ốc bươu đen, mỗi tháng thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Trại nuôi ốc bươu đen của chị Hiền hiện quy mô lớn nhất xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc) với diện tích hơn 1.000 m2, gần 50 bể nuôi. Toàn bộ trại được phủ bạt đáy và thành ao, phía trên có hệ thống lưới che, các bể nuôi được bơm nước giếng đã qua xử lý.
Chị Hiền cho biết trước đây làm thuê tại TP HCM cuộc sống rất chật vật. Sau khi lập gia đình, chị xem tin tức trên báo, đài thấy ở miền Tây có mô hình nuôi ốc bươu đen nên bàn với chồng lên ý tưởng khởi nghiệp.
Ban đầu, vợ chồng chị đặt mua thử nửa ký trứng ốc giống với giá 800.000 đồng, cộng khoảng 500.000 đồng tiền bạt nhựa, tận dụng cây tre có sẵn quanh vườn làm bể nuôi thử nghiệm với diện tích khoảng 6 m2. Tuy nhiên, do nguồn nước bị ô nhiễm nên ốc bị chết khá nhiều. Ngoài ra, mỗi khi thời tiết thay đổi như nắng gắt hoặc mưa trái mùa cũng khiến đàn ốc giảm số lượng.
Chủ trại sau đó đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước, che lưới phía trên để khắc phục. Ngoài ra, ốc cũng là thức ăn khoái khẩu của chuột nên người nuôi cũng cần phải chú ý và có biện pháp phòng trừ phù hợp.
“Điều kiện nguồn nước sạch chiếm khoảng 80% thành công của mô hình”, chị Hiền nói và cho biết sau khi ốc đẻ đã thu hoạch trứng ấp, chủ động được nguồn con giống nên từng bước nhân rộng quy mô.
Để có thêm nguồn thức ăn cho ốc, vợ chồng chị còn tận dụng 2.000 m2 ao, vườn nhà bỏ hoang để nuôi bèo, trồng bầu, bí mướp, môn là các thức ăn sạch không có phân thuốc hóa học.
Theo chị Hiền, thời tiết ở miền Tây khá thuận lợi để nuôi ốc bươu đen. Sau 4-5 tháng, ốc có kích thước 20-25 con một ký sẽ xuất bán với giá 50.000- 70.000 một ký. Bình quân, mỗi tháng trại xuất bán khoảng 2500-300 kg ốc thịt. Ốc sinh sản chủ yếu vào mùa mưa, đẻ ít vào mùa nắng nên tùy theo thời điểm trứng ốc giống sẽ có giá từ 300.000-500.000 đồng mỗi ký.
Ngoài ra, tại trại còn bán ốc con làm giống. Trứng ốc sau khi thu hoạch sẽ để nơi thoáng mát, mỗi ngày đều phải xịt nước sau khoảng nửa tháng ốc con sẽ nở. Ốc con sẽ tiếp tục được nuôi khoảng nửa tháng đến hơn 20 ngày, khi ốc to bằng hạt đậu xanh có thể xuất bán với giá 100 đồng mỗi con. Bình quân mỗi tháng trại xuất bán khoảng 50.000 con ốc giống cùng hàng chục ký trứng ốc.
“Kênh phân phối chủ yếu của trại là qua mạng xã hội, tiêu thụ tại địa bàn miền Tây và các tỉnh miền Trung. Vợ chồng tôi đang nghiên cứu mô hình nuôi ốc gác bếp để tăng thêm nguồn thu”, chị Hiền nói.
Ngoài màu sắc đen đặc trưng so với vàng dễ phân biệt bằng mắt thường, ốc bươu đen có giá trị dinh dưỡng cao do thịt dai, dày, ngon và thơm hơn ốc bươu vàng. Ốc bươu đen có thể được chế biến nhiều món như: nướng tiêu, ốc hấp, luộc sả, xào chuối, bún ốc.
Bà Võ Ngọc Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Lộc cho biết mô hình nuôi ốc sạch của chị Hiền khá mới mẻ trên địa bàn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình.
“Hội này đã nhân rộng cho 5 hội viên trên địa bàn tham gia và là mô hình điểm cho người dân xa gần đến tham quan, học tập kinh nghiệm”, bà Huyền nói.
Nam An
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lot-bat-nuoi-oc-buou-den-tren-dat-vuon-bo-hoang-4827814.html