Mức hỗ trợ tăng, điều chỉnh giá đất, thời điểm sử dụng đất tính hỗ trợ thêm 10 năm… là những chính sách giúp TP HCM đẩy nhanh giải tỏa giúp cải tạo, chỉnh trang kênh rạch.
Hơn tuần qua, khi thành phố có kế hoạch tăng mức hỗ trợ cho người dân sống trên, ven kênh, rạch, công việc của các cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 thuận lợi hơn. Toàn quận có khoảng 15.000 trường hợp cần phải di dời để chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch, chiếm khoảng 68% số lượng nhà trên, ven kênh rạch toàn TP HCM. Hiện, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng dự án bờ bắc kênh Đôi với hơn 1.500 căn bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất thu hồi hơn 5,5 ha. Đầu tháng 4, quận đã thông báo thu hồi đất đến các hộ dân.
Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 Nguyễn Hồng Thuận cho biết hiện người dân vui vẻ hợp tác từ khi cung cấp thông tin để hiệp thương bản vẽ, xác minh hồ sơ nhà đất. “Người dân phấn khởi vì nghe tin các mức hỗ trợ sẽ tăng lên”, ông Thuận nói.
Theo quy định của Luật Đất đai cũ và Quyết định 28 của UBND TP HCM, nhà trên, ven kênh rạch là nhà lấn chiếm, tùy theo thời điểm sử dụng sẽ có mức hỗ trợ nhất định. Trường hợp ở trước ngày 15/10/1993 được hỗ trợ 40% đơn giá đất ở; sau thời điểm này đến 1/7/2004 tỷ lệ hạ xuống còn 30%; từ mốc 1/7/2004 trở về sau không được hỗ trợ. Nếu người dân xây dựng, lấn chiếm trên kênh tiêu, thoát nước mức hỗ trợ còn thấp hơn. Người dân chỉ nhận được đủ mức hỗ trợ nếu bị giải tỏa trắng, trường hợp bị di dời một phần chỉ được nhận một nửa.
Ông Thuận cho hay bờ bắc kênh Đôi là kênh tiêu, thoát nước do đó chiếu theo các quy định mức hỗ trợ cho người dân rất thấp, chỉ còn 32% hoặc 24% so với đơn giá đất ở. “Mức hỗ trợ thấp nên người dân không muốn di dời vì nhận tiền xong họ khó kiếm được chỗ ở mới”, ông Thuận nói. Địa phương đã gặp vướng mắc tương tự với dự án nạo vét, chỉnh trang rạch Xóm Củi. Người dân không đồng thuận với mức hỗ trợ, dây dưa kéo dài khiến tiến độ dự án bị chậm. Từ thực tế này, cùng với đặc thù địa phương có nhiều nhà trên, ven kênh rạch cần di dời nhiều nhất thành phố, quận 8 nhiều lần kiến nghị tăng mức hỗ trợ để giúp đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị đất trên và ven kênh rạch sử dụng trước 1/7/2014 sẽ được hỗ trợ chung một mức 70% giá bồi thường đất ở. Việc này được áp dụng thống nhất không phân biệt bị thu hồi một phần hay toàn bộ, kênh tiêu, thoát nước và thời hạn kéo dài thêm 10 năm so với trước. Với mức đề xuất này, tiền dùng để hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án bờ Bắc kênh Đôi tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Ông Thuận ví dụ một gia đình có nhà đất 30 m2 ở trên bờ bắc kênh Đôi trước 15/10/1993, với đơn giá mỗi m2 đất ở 30 triệu đồng, mức hỗ trợ 32%, gia đình sẽ nhận được hơn 300 triệu đồng. Với số tiền này họ không thể mua được căn hộ tái định cư, trường hợp được cho trả góp, số tiền hàng tháng sau này sẽ rất cao, khó kham nổi. Tuy nhiên, khi áp dụng mức hỗ trợ mới, gia đình này sẽ nhận được 630 triệu đồng.
“Tiền hỗ trợ tăng lên giúp người dân có điều kiện mua được suất tái định cư tối thiểu hoặc nhà ở xã hội nên dễ đồng ý di dời”, ông Thuận nhận định.
Sẵn sàng rời đi nếu thành phố tăng mức hỗ trợ để giúp gia đình có được chỗ ở mới đàng hoàng là tâm thế ông Tăng Hùng có 36 năm sống ở bờ bắc kênh Đôi. Căn nhà gỗ 28 m2, lợp tôn tạm bợ, mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Duy là chỗ tá túc của 6 thành viên trong gia đình ông.
“Chúng tôi cũng muốn rời đi vì nhà đã xuống cấp, ẩm mốc, gỗ mục, có thể sập bất kỳ lúc nào”, ông Hùng nói. Người đàn ông 61 tuổi nói khi nghe quận thông báo các mức hỗ trợ tăng lên gia đình rất vui. Ông dự tính nếu thành phố trả số tiền kha khá sẽ về Cần Giuộc (Long An) để mua căn nhà nhỏ dưỡng già.
Cạnh nhà ông Tăng Hùng là căn nhà rộng 85 m2 của hộ bà Nguyễn Thị Oanh, 63 tuổi. Gia đình bà đến kênh Đôi từ năm 1974 khi khu này chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm. Để tăng diện tích, gia đình bà đã cắm cọc xuống lòng kênh đổ đất bồi lắp phía sau để làm thêm nhà bếp, toilet.
Bà Oanh cho biết đã nghe về thông tin thành phố muốn cải tạo dòng kênh từ nhiều năm trước và cũng mong muốn đi rời đi nhưng mức hỗ trợ, bồi thường phải hợp lý để gia đình mua được suất tái định cư. “Vợ chồng đều là lao động tay chân, lớn tuổi, không tích lũy lại đang nuôi hai cháu nhỏ mồ côi cha nên tất cả chỉ trông vào tiền bồi thường để ổn định cuộc sống”, bà Oanh nói.
Cách bờ Bắc kênh Đôi hơn 10 km, khoảng 1.790 hộ dân sống dọc rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh cũng chờ di dời theo phương án bồi thường, giải toả mới. Các căn nhà tại đây hầu hết được đóng cọc ven rạch làm sàn, vách gỗ lâu ngày sập xệ.
Ngồi rửa chén cạnh dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, đầy rác, bà Thanh Cúc, 60 tuổi, nói căn nhà của bà rộng khoảng 50 m2 nhưng gần một nửa diện tích lấn ra rạch. Khi mới về ở hồi trước năm 1990, nước còn trong xanh nhưng ngày càng ô nhiễm do chất thải xả thẳng xuống dưới.
“Tôi nghe giải tỏa làm sạch kênh đã hơn chục năm nhưng cứ kéo dài khiến gia đình phải sống cảnh tạm bợ”, bà Cúc nói. Trước thông tin thành phố sẽ tăng mức hỗ trợ, bà Cúc nói gia đình sẵn sàng rời đi để nhà nước làm dự án, con rạch sạch sẽ, hết ô nhiễm, “chỉ mong nhận được số tiền kha khá đủ mua một căn hộ giá rẻ ngoài rìa Thủ Đức”.
Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết dự án rạch Xuyên Tâm là công trình lớn và phức tạp nhất địa phương đang thực hiện. “Mối bận tâm lớn nhất của người dân là bồi thường, hỗ trợ ra sao, tái định cư ở đâu”, ông nói. Theo ông Huy, khi nghe thông tin mức hỗ trợ dự kiến tăng lên 70% đơn giá đất ở, người dân rất phấn khởi.
Bên cạnh tăng mức hỗ trợ cho người dân sống trên kênh, rạch, TP HCM đang hoàn thiện bảng giá đất điều chỉnh. Theo dự thảo bảng giá điều chỉnh mới mà sở này công bố gần đây, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven TP HCM dự kiến điều chỉnh tăng đột biến từ 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K).
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, giá đất mới tiệm cận thị trường sẽ đảm bảo công bằng khi thu hồi và đền bù cho dân khi mức hỗ trợ, đền bù đều sẽ tăng lên. Trước mắt, dự án Rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc kênh Đôi tổng vốn đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng khi áp giá đất mới.
Ngoài ra, TP HCM cũng xây dựng chính sách tái định cư cho dân sống ven kênh rạch linh hoạt hơn. Theo số liệu của Sở Xây dựng TP HCM, nhà trên, ven kênh rạch có hai nhóm chủ yếu, gồm nhà xây trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh rạch, phần xây dựng trên bờ và nhà sàn trên mặt nước, kết cấu tạm bợ, diện tích nhỏ hẹp, lụp xụp, do người dân lấn chiếm, đa phần thuộc dạng hộ nghèo.
Khoảng 60% nhà kênh rạch là lấn chiếm, không giấy tờ hợp lệ. Theo Quyết định 28 của UBND TP HCM các trường hợp này sẽ không đủ điều kiện bố trí tái định cư, hoặc hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Để giải quyết, thành phố đang tính đến các phương án cho người dân sống trên, ven kênh rạch được thuê, mua nhà ở xã hội. Người dân được tạo điều kiện để tái định cư bằng đất nền, nhà tái định cư bằng hình thức trả góp, thời hạn tối đa 15 năm, lãi suất ưu đãi…
Đánh giá về các chính sách của thành phố, TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP HCM, cho rằng chính sách hỗ trợ, bồi thường cho dân đang tập trung cho dân có toàn bộ hoặc một phần đất ven kênh, rạch. Theo chuyên gia, nhiều người dân sống trên kênh có nhà tạm bợ được dựng trên các cọc cắm xuống lòng kênh, rạch, tức hoàn toàn không có đất. Chiếu theo các quy định, nhóm này sẽ không được hỗ trợ.
“Cần tính thêm đến nhóm này nếu không sẽ giằng co kéo dài hoặc phát sinh thêm một tình huống là họ rời kênh này để đến kênh khác dựng nhà sống tiếp và cứ kéo dài mãi”, TS Hòa nói. Theo ông, nếu họ là người dân TP HCM, chính quyền cần hỗ trợ họ được thuê, mua nhà giá rẻ, trường hợp từ địa phương khác đến cần hỗ trợ để họ được hồi hương sinh sống.
TP HCM có khoảng 22.000 nhà trên, ven kênh rạch cần phải di dời để chỉnh trang đô thị. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt chỉ tiêu giải tỏa 6.500 căn nhưng đến hết quý 2/2024 mới di dời được 983 căn.
Lê Tuyết – Đình Văn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/loat-chinh-sach-ky-vong-giup-tp-hcm-giai-toa-nhanh-nha-ven-kenh-4777687.html