Đồng ThápĐBSCL đứng trước những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, buộc phải chuyển sang phát triển bền vững, kinh tế xanh đó cũng là cơ hội mang tính bước ngoặt trong thời gian tới.
Nội dung được đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2, ngày 25/9. Diễn đàn với chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, cố vấn nội dung từ Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn dự kiến tổ chức cuối tháng 11.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết các nghiên cứu của những chuyên gia trong nước và quốc tế đều chỉ ra việc chuyển trọng tâm phát triển bền vững đang là yêu cầu mang tính bắt buộc.
“Rất nhiều quốc gia trong đó có những thị trường của Việt Nam đã đặt trọng tâm sang phát triển bền vững và đưa ra những quy định mới, mang tính cả bắt buộc lẫn khuyến khích, từ đó tạo ra cơ hội mang tính bước ngoặt trong việc thay đổi cục diện kinh tế quốc gia”, bà Thủy nhấn mạnh.
Giám đốc ban IV nhận định các doanh nghiệp của Việt Nam đã có sự chuyển đổi rất mạnh về mặt tư duy, hành động sang kinh tế xanh, bền vững song vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa nỗ lực, quyết tâm với bước tiến thực sự. “Cần đẩy mạnh chương trình hành động gắn với mục tiêu chuyển đổi xanh chứ không nên chỉ dừng ở tuyên bố ban đầu”, bà Thủy chia sẻ.
Là đơn vị cố vấn nội dung, bà Thủy cho biết về quan điểm diễn đàn lần này đặt ra sứ mệnh: Không chỉ nói mà làm; Tinh thần tiên phong, không ngại khó ngại vất vả; Kết nối tập hợp tiếng nói, sức mạnh, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia.
Ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết diễn đàn gồm ba nội dung: đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức; cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 và diễn đàn toàn thể. Chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11, dự kiến diễn đàn toàn thể tổ chức vào ngày 29 và 30/11.
Ông Quang kỳ vọng diễn đàn sẽ là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và tư nhân – là nơi kết nối, hợp tác, thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh truyền thống của vùng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp và kinh tế của ĐBSCL.
Ông Huỳnh Minh Thức, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, đơn vị tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024, cho biết các dự án, sáng kiến vào vòng chung kết được trực tiếp gọi vốn từ nhà đầu tư, bên cạnh giải thưởng cao nhất là 100 triệu đồng.
Theo ông, trọng tâm của cuộc thi là tìm ra dự án, sáng kiến thuộc các lĩnh vực ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chế biến khai thác, tăng giá trị tài nguyên bản địa, phù hợp và có thể triển khai ở ĐBSCL.
Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 1 tổ chức cách đây hai năm tại Đồng Tháp, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp 13 tỉnh thành phố.
Diễn đàn không chỉ là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới mà còn thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Ngay sau diễn đàn, các địa phương đã có nhiều chương trình hành động thiết thực.
Ngọc Tài
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kinh-te-xanh-dong-luc-moi-cho-phat-trien-cua-dbscl-4797040.html