Với mức thu 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho lao động, trong 9 năm nguồn thu tài chính công đoàn là 143.999 tỷ đồng, tăng bình quân 12% mỗi năm.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách khi xây dựng dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay giai đoạn 2013-2021 thu tài chính công đoàn đạt 143.999 tỷ đồng. Nguồn thu mỗi năm tăng bình quân 12% do tăng lương cơ sở, lương tối thiểu, đoàn viên công đoàn ngày càng đông.
Tổng thu tài chính công đoàn trong 9 năm tăng 2,5 lần, riêng kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng tăng gần 2,7 lần; đoàn phí lao động đóng tăng 2,4 lần, các khoản thu khác tăng 1,54 lần.
Trong 9 năm, bốn cấp công đoàn chi 110.553 tỷ đồng, chủ yếu dưới cơ sở gần 81.200 tỷ đồng (chiếm 73,5%); quận, huyện hơn 16.400 tỷ (14,9%); Liên đoàn và công đoàn ngành gần 11.700 tỷ (10,6%); Tổng liên đoàn 807 tỷ (0,73%) và tại các đơn vị sự nghiệp 409 tỷ (0,37%).
Chi tại cấp cơ sở luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 82% liên quan trực tiếp người lao động. Tại ba cấp còn lại, phần chi cho quản lý bộ máy hành chính 13-18%; chi lương, phụ cấp dao động 27-32%; cho hoạt động 40-49%, các mục chi khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Giai đoạn này, bốn cấp công đoàn chi đầu tư xây dựng cơ bản hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó xây dựng tại các đơn vị sự nghiệp, kinh tế hơn 1.466 tỷ đồng từ ngân sách và chi đầu tư xây dựng tại công đoàn cấp trên hơn 1.552 tỷ từ tài chính công đoàn tích lũy.
Tới hết năm 2023, nguồn quỹ kết dư trên 43.200 tỷ đồng, trong đó cấp cơ sở hơn 12.370 tỷ và ba cấp còn lại trên 30.800 tỷ đồng.
Tại dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tiếp tục giữ mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Khoản này được tính vào chi phí doanh nghiệp, hạch toán vào giá thành sản phẩm.
“Khảo sát cho thấy doanh nghiệp FDI ít kiến nghị đến nộp 2% kinh phí công đoàn. Do đó 2% này không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp”, theo Tổng liên đoàn.
Nên chi cho cơ sở nhiều hơn
Không đồng tình quan điểm “2% không phải là gánh nặng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, phân tích doanh nghiệp luôn đề cao tính ổn định trong sản xuất kinh doanh, nhất là với công ty nước ngoài. FDI thường là các “ông lớn” đã phát triển mạnh, giàu có, lâu đời. Còn doanh nghiệp thuần Việt đang trong giai đoạn tích lũy thì “một đồng cũng đáng quý” nên nói không phải gánh nặng là chưa đúng.
Theo ông, thực chất khoản đóng góp này đến từ lương của người lao động và gián tiếp tính vào chi phí doanh nghiệp, hạch toán vào giá thành. Đây là một trong những yếu tố khiến giá sản phẩm đội lên và người tiêu dùng, cũng chính là người lao động gánh chịu. Chưa kể chi phí tăng thì giá thành tăng, tác động đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường.
Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho rằng nếu luật sửa đổi chưa tính tới giảm đóng kinh phí công đoàn xuống 1-1,5% thì nên phân bổ lại tỷ lệ tài chính, giữ lại cấp cơ sở nhiều hơn, khoảng 85-90% (hiện là 75%, 25% còn lại nộp lên công đoàn cấp trên). Cấp cơ sở cần chi cho nhiều hoạt động trực tiếp của người lao động, như thăm hỏi ốm đau, sinh nhật, dịp đặc biệt…, khuyến khích lao động yên tâm làm việc.
Ông lấy ví dụ chính doanh nghiệp mình làm chủ, có năm sau Tết Nguyên đán tiền kết dư chỉ còn vài triệu đồng, hầu như có bao nhiêu chi hết bấy nhiêu. Cơ sở cũng là nhân tố tích cực góp phần ổn định sản xuất trong doanh nghiệp. Các cấp còn lại chủ yếu chi cho quản lý bộ máy hành chính, lương và phụ cấp nên tiền kết dư nhiều.
Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp tại Bắc Giang ủng hộ việc giữ nguyên kinh phí công đoàn 2%, song đề xuất giảm tối đa tỷ lệ 25% nộp lên công đoàn cấp trên, tăng phần giữ lại cho cơ sở. Lý do cấp này có tỷ lệ chi tài chính trực tiếp cho lao động cao nhất trong bốn cấp.
Ông lý giải 10 năm trước, đoàn viên công đoàn còn ít, mức lương thấp thì trích lên trên 25% là hợp lý. Song đến nay cả nước hơn 13 triệu đoàn viên công đoàn, với mức thu nhập bình quân đóng BHXH khoảng 5,7 triệu đồng mỗi tháng, tổng nguồn thu đội lên sẽ rất cao. Thống kê cho thấy năm 2021, nguồn quỹ công đoàn đã tăng 2,5 lần so với năm 2013 – năm đầu tiên Luật Công đoàn có hiệu lực.
“Lương tăng, tiền phí tăng tương ứng mỗi năm. Nếu giữ nguyên tỷ lệ trích nộp lên công đoàn cấp trên là không hợp lý. Nguồn quỹ ưu tiên chăm lo đời sống lao động tại doanh nghiệp thì cấp cơ sở nên được giữ lại nhiều hơn”, ông nói, thêm rằng Luật Công đoàn sửa đổi nên đặt lộ trình giảm dần tỷ lệ chi cho trên và tăng % giữ lại cơ sở.
Ví dụ giảm dần 1% tỷ lệ kinh phí nộp lên cấp trên và tăng tương ứng xuống cấp cơ sở, cho đến khi cấp cơ sở được giữ lại 90% nguồn kinh phí. Khi nguồn kinh phí dồi dào hơn, hưởng nhiều quyền lợi hơn thì công đoàn dễ dàng thu hút đoàn viên, lao động tham gia hơn so với các tổ chức khác.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kinh-phi-cong-doan-duoc-thu-chi-the-nao-4756669.html