TP HuếĐại Cung Môn, cửa chính để vào bên trong Tử Cấm Thành, đang được khảo cổ học trước khi được phục dựng với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.
Ngày 11/4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đơn vị đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ học di tích Đại Cung Môn nằm trên trục thần đạo của kinh thành Huế.
Chuyên gia khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong khu vực khảo cổ Đại Cung Môn. Ảnh: Võ Thạnh
Những ngày qua, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đào nhiều hố thám sát, khai quật trong di tích Đại Cung Môn, hiện chỉ còn lại phần nền móng. Diện tích khoanh vùng bảo vệ, khai quật khoảng 60 m2.
Sau khi đào nhiều hố rộng hơn một m2, sâu 40 cm, các nhà khảo cổ phát hiện nền móng cũ bằng gạch vồ, nhiều mảnh sành sứ. Các hiện vật được thu thập, đánh mã số bảo quản. Dự kiến, việc khảo cổ học sẽ kết thúc trong tuần tới.
Công trình Đại Cung Môn vào năm 1933. Ảnh tư liệu
Theo kế hoạch, sau khi tiến hành khảo cổ đánh giá, Đại Cung Môn sẽ được phục dựng theo kiến trúc của triều Nguyễn xưa. Phần chính của Đại Cung Môn được kết cấu bằng khung gỗ; mái, vách ván, cửa bằng gỗ nhóm II.
Các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng. Cấu kiện gỗ được chống ẩm và chống mối gỗ. Mái được lợp ngói âm ống hoàng lưu ly, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ các hoa văn trang trí và pháp lam.
Sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong sau Đại Cung Môn sẽ được phục hồi. Công trình dự kiến thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Hiện vật được tìm thấy tại các hố khai quật khảo cổ học. Ảnh: Võ Thạnh
Đại Cung Môn là cửa chính để vào Tử Cấm Thành, được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Công trình nằm giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh, nằm trên trục thần đạo của kinh thành Huế. Hiện nay, công trình chỉ còn phần nền móng do bị phá hủy năm 1947.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khao-co-dai-cung-mon-truoc-khi-phuc-dung-4872868.html