Mỗi năm có khoảng 7.000 lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc về nước, nhiều người khởi nghiệp thành công, song không ít khó bắt nhịp với thị trường.
Tại Hội chợ việc làm cho lao động về nước ngày 8/11, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết 20 năm qua gần 150.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó 140.000 người tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và 9.000 người diện IM Japan.
Ông Hồng đánh giá đây là nguồn lực tiềm năng, nhiều người biết ngoại ngữ, có kỹ năng, tài chính và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với nước ngoài. Chưa có thống kê chính thức về số tìm được việc làm sau khi về nước, song qua các phiên kết nối, nhiều lao động đã tìm được việc tại doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc. Có người giữ chức tổ trưởng, quản lý; trở lại Hàn, Nhật theo diện lao động mẫu mực; hoặc khởi nghiệp, tự kinh doanh buôn bán. Song cũng có người chưa tìm được việc như ý do chưa khớp được mức lương hoặc kỹ năng công việc.
Chị Ngô Thị Út Luân, 38 tuổi, từng nhiều năm làm việc tại Hàn Quốc, hiện là chủ doanh nghiệp tại TP HCM, cho biết lao động hồi hương ban đầu khó thích ứng về tâm lý lẫn mức lương. Họ từng làm việc trong môi trường máy móc, công nghệ hiện đại. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư công nghệ hiện đại, khó trả lương cao nên dễ khiến người lao động thất vọng. “Đó là lý do khiến nhiều người trở về loay hoay giữa đi tìm công việc mới hay khởi nghiệp. Tìm việc mới thì khó phù hợp, còn khởi nghiệp cần vốn, kỹ năng”, chị kể.
Từ trải nghiệm bản thân, chị Luân khuyến khích lao động khi ở nước ngoài nên học tiếng, tăng cơ hội làm việc với người bản địa, tạo quan hệ để về Việt Nam có cơ hội tìm việc làm hoặc khởi nghiệp. Chị khi còn ở Hàn Quốc đã tận dụng mọi cách học tiếng, lần thứ hai quay trở lại với vị trí trưởng phòng, vượt qua các kỳ thi và được cấp quốc tịch Hàn song chọn quay về Việt Nam lập nghiệp.
Chị Luân kiến nghị các cấp ngành có chính sách hỗ trợ cho lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn qua các chương trình đào tạo nghề, có khoản vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ tài chính để khởi nghiệp; tạo mạng lưới lao động có chung mục tiêu lập nghiệp để giúp đỡ nhau.
Hội chợ việc làm hôm nay kết nối lao động với 45 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, Nhật Bản tuyển dụng hơn 1.300 vị trí việc làm. Nhu cầu chủ yếu về quản lý sản xuất, phiên dịch, biên dịch, kỹ thuật CNC, sản xuất điện tử. Trình độ tuyển dụng đại học, trung cấp, phổ thông tương đương nhau với tỷ lệ 30% mỗi bậc. Mức lương trên 15 triệu chiếm 15%, từ 10 đến 15 triệu chiếm 26%, còn lại dưới 10 triệu đồng hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Thống kê hết năm 2023, hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5-4 tỷ USD kiều hối. Lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD; Đài Loan 800-1.200 USD, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, khoảng 600-1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hon-7-000-lao-dong-hoi-huong-tu-nhat-han-moi-nam-4813721.html