Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó tập trung vào các tội như sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Tại Điều 193 quy định về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Chính phủ đề xuất người phạm tội bị tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20-100 lên 40-200 triệu đồng. Cá nhân phạm tội bị cấm hành nghề, làm công việc nhất định 1-5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ), bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không có khả năng khắc phục hậu quả. Pháp nhân thương mại cũng bị đình chỉ vĩnh viễn nếu được thành lập chỉ để thực hiện hành vi tội phạm.
Tương tự, ở hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, Chính phủ cũng đề xuất tăng gấp đôi mức phạt với pháp nhân thương mại.
Cụ thể, doanh nghiệp thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng thì bị phạt tiền 2-8 tỷ đồng. Nếu họ phạm tội có tổ chức; tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức và một số hành vi khác sẽ bị nâng mức phạt 8-18 tỷ đồng (hiện tại là 4-9 tỷ). Tùy thuộc vào một số mức độ hành vi, mức phạt có thể lên tới 18-30 và 30-40 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội tại phòng họp Diên Hồng ngày 26/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Tao Văn Giót, Phó bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu, cho rằng mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng với các hành vi sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả là chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm.
Ông nói hầu hết vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng rộng. “Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người”, đại biểu Giót nhấn mạnh.
Ông đánh giá mức phạt như dự thảo không thể ngăn chặn triệt để loại tội phạm này, nhiều người sẽ bất chấp phạm tội do mức lợi nhuận quá lớn và khó bị phát hiện. Vì vậy ông đề nghị nâng mức phạt cho các hành vi này lên 10 năm tù đến chung thân. Mức phạt tiền thì căn cứ trên số lượng hàng giả đã tung ra thị trường, số lợi nhuận bất chính để có căn cứ xử lý. Ông cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.
Bỏ tử hình với 8 tội danh
Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng “tù chung thân không xét giảm án” với 8/18 tội danh, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Với việc tội phạm ma túy, sản xuất hàng giả có xu hướng ngày càng phức tạp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM) băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội danh này.
Bà Lan cho rằng theo logic thông thường, nếu tội phạm giảm có thể nghiên cứu việc giảm án; ngược lại sẽ nghiên cứu tăng hình phạt. “Chúng ta nhân văn với tội phạm là chúng ta độc ác với đồng bào, với những người sống tuân thủ pháp luật, với những nạn nhân của thuốc giả, của ma túy gây ra”, bà Lan nêu quan điểm.
Nữ đại biểu nhận định việc duy trì án tử hình sẽ mang ý nghĩa răn đe, để tội phạm biết sợ, đồng thời cho thấy sự quyết liệt của nhà nước trong việc xử lý.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-sua-doi-bo-luat-hinh-su-4890824.html