42 căn nhà lún nứt khi 900 m chân kè ở xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì bị sạt lở, người dân phải di dời lúc mưa giông do sợ nhà sụp xuống sông.
Buổi tối nhiều tháng gần đây, người dân xóm Bãi, thôn Vân Hội, lại cắt cử nhau đi tuần dọc đường đê ven sông để xua đuổi tàu hút cát. Xã Phong Vân nằm ở ngã ba sông (nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng), bên này là địa phận của Hà Nội, bên kia thuộc đất Phú Thọ. Việc khai thác cát ở ngã ba sông thuộc địa bàn Phú Thọ diễn ra từ lâu, nay nhộn nhịp với hàng trăm tàu tấp nập cả ngày lẫn đêm.
“Đi làm về mệt, đêm lại nghe tiếng máy hút cát, tàu chở cát đi lại ầm ầm không ngủ được”, anh Ngô Văn Lịch ở xóm Bãi nói.
Anh cho biết chưa bao giờ chứng kiến lòng sông bị tụt xuống sâu đến thế. Mấy năm trước khi nhà nước xây kè, mức nước sông lúc đó xấp xỉ bờ nhưng hiện mực nước cách bờ kè 15 m. Từ đầu năm 2024 nhà anh bị nứt, từ vết nhỏ rồi to dần kéo dài xé ngang ngôi nhà. Cả gia đình phải chuyển vào ở căn nhà mới phía trong.
Cách đó chỉ 200 m, căn nhà mới xây dựng cuối năm 2023 của ông Ngô Văn Luông (hơn 70 tuổi) cũng chịu chung số phận. Những vết nứt chạy dài từ tường nhà ra đến tận hè. Căn nhà mới được ông xây dựng để dành cho con cái sinh sống, trong khi vợ chồng ông vẫn đang ở trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu.
Theo ông Luông, do nhà cấp 4 móng nông nên mỗi khi có tàu thuyền vào ra bến, va vào bờ sông, cả căn nhà rung lên bần bật, tiếng cửa kính kêu răng rắc khiến ông lo lắng không yên. Ông cho rằng hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đà khiến mực nước sông hạ thấp, dẫn đến sụt lún đê kè, ảnh hưởng trực tiếp đến những căn nhà ven sông.
Chính quyền huyện Ba Vì cho rằng hoạt động hút cát làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy, làm sạt trượt chân kè và nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà của người dân xã Phong Vân. Trong đó, xóm Bãi có nhiều nhà bị nứt nhất.
Theo Chủ tịch xã Phong Vân Nguyễn Huy Hoàng, thành phố Hà Nội không cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực này nhưng Phú Thọ cấp phép khai thác mỏ cát trên địa bàn của họ, giáp ranh với địa bàn xã. Trung bình hàng trăm tàu mỗi ngày, lúc cao điểm vài trăm cái khai thác cát cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
“Khoảng 900 m kè đã bị tụt chân, số nhà lún nứt tăng nhanh, hiện đã lên tới 42 nhà. Nếu tình trạng khai thác vẫn diễn ra chắc chắn thôn Vân Hội không còn tồn tại”, ông Hoàng cảnh báo.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết thời gian qua tại địa bàn tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì (thuộc địa bàn các xã Thái Hòa, Phong Vân), tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập. Tuy nhiên huyện không được cung cấp tài liệu hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác để phối hợp quản lý, giám sát.
Trước thực trạng kè bị sạt trượt, nhà dân lún nứt, huyện Ba Vì đã đề xuất thành phố báo cáo, kiến nghị với các Bộ ngành Trung ương và đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh huyện Ba Vì.
Huyện Ba Vì cũng đề nghị hai địa phương tổ chức đánh giá tác động của việc khai thác cát đến biến động dòng chảy, ảnh hưởng đến tình hình sạt lở phía bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì. Đồng thời các đơn vị liên quan phải công khai hồ sơ cấp phép nếu có, đánh giá tác động đến lòng, bờ sông để chính quyền và nhân dân biết, phối hợp quản lý, giám sát khai thác.
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hang-chuc-can-nha-o-ha-noi-co-nguy-co-do-sup-xuong-song-4746562.html