Cầu thứ 4 vượt sông Hậu, nối TP Cần Thơ với Vĩnh Long, được đề xuất hai phương án với tổng mức đầu tư khoảng 19.800 và 27.500 tỷ đồng.
Phương án xây cầu Cần Thơ 2 nằm trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) hoàn tất ngày 11/10 để trình Bộ Giao thông Vận tải.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất hai phương án xây dựng cầu Cần Thơ 2. Ở phương án 1, cầu dài hơn một km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 0,55 km; đường sắt đi riêng với đường bộ. Dự án có tổng chi phí đầu tư gần 19.800 tỷ đồng, gồm: gần 12.900 tỷ đồng dành cho xây lắp, hơn 2.600 tỷ đồng phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.
Với phương án 2, cầu dài hơn 1,1 km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 0,55 km, đường bộ đi chung đường sắt (ở bên trên). Công trình có tổng dự toán khoảng 27.500 tỷ đồng, phần xây lắp, thiết bị hơn 18.540 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 2.820 tỷ đồng, còn lại là quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.
Theo phương án đưa ra, cầu có 4 làn xe, rộng 24,75 m; nhịp chính kết cấu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ; khổ thông thuyền rộng 300 m, trong đó luồng chính rộng 160 m, cao 39 m; luồng hai bên cao 30 m. Dự án nằm cách cầu Cần Thơ hiện hữu (khánh thành năm 2010, tổng đầu tư 4.832 tỷ đồng) khoảng 4,5 km, về phía hạ lưu; dự kiến khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2029.
Công trình có điểm đầu kết nối với nút giao Chà Và (cuối dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ phía Vĩnh Long), điểm cuối kết nối nút giao IC2 (giao với đường Nam Sông Hậu) là điểm đầu dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Ngoài phần cầu, dự án còn có đường dẫn vào cầu ở phía Vĩnh Long dài 8,38 km (thuộc xã Mỹ Hòa, Thị xã Bình Minh); đường dẫn phía Cần Thơ dài 3,52 km (tại phường Tân Phú, quận Cái Răng); phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km. Đường dẫn (bao gồm 6 cầu trên tuyến) cũng quy mô 4 làn xe, rộng 24,75 m, đạt tiêu chuẩn cao tốc. Toàn dự án cần 520 ha đất xây dựng.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá tuyến cao tốc phía đông Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo sự kết nối thuận lợi với các cảng biển, khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn, logistic… trong vùng. Vì thế việc nghiên cứu sớm triển khai xây dựng cầu rất cấp thiết để đồng bộ với cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đã thông xe cuối năm 2023 và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026. Cầu là mảnh ghép cuối cùng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông ở miền Tây.
Sông Hậu (hay Hậu Giang) là một nhánh của dòng Mekong khi đổ vào Việt Nam, qua bảy tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Cần Thơ 2 là cầu thứ 4 bắc qua sông này sau các cầu Cần Thơ, Vàm Cống (nối Cần Thơ với Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang).
An Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hai-phuong-an-xay-cau-can-tho-2-4803122.html