Sáng 28/6, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó có quy định biện pháp đặc thù đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Điều 33 của luật nêu HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm; chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy được thẩm duyệt, cũng có thể bị cắt điện nước.
UBND các cấp tại Hà Nội có thể yêu cầu ngừng cấp điện, nước với cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục vi phạm phòng, chống cháy, nổ tại Hà Nội thời gian qua.
HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án BT
Tại Điều 40, Luật cho phép HĐND Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng. Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, Luật cho phép HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng); quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.
UBND Thành phố quyết định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trong khu vực TOD, Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng; tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD. Tiền thu được để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Di dời các cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục ra khỏi nội đô
Tại Điều 18, Luật quy định cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo tại đây.
Cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô cũng phải di dời.
Thủ tướng sẽ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở và trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức trung ương. HĐND Thành phố quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở, trụ sở còn lại.
UBND thành phố sẽ bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch để cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời nếu có nhu cầu. Tại khu vực nội đô lịch sử, quỹ đất sau khi di dời dùng để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch, không bố trí chức năng ở, lưu trú.
Tại khu vực khác ở đô thị trung tâm, quỹ đất được ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo phân loại đô thị.
Đãi ngộ đặc biệt cho người có tài năng
Quốc hội cũng cho phép Hà Nội có chính sách thu hút, trọng dụng người tài. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích đặc biệt được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức. Những người này được xem xét đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
HĐND thành phố sử dụng ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài. Diện được hỗ trợ gồm cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố quản lý; học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
HĐND cũng sẽ quy định chi tiết các chế độ thu nhập đặc biệt cho người có tài năng làm việc tại thành phố.
Luật Thủ đô sửa đổi có 7 chương, 53 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ha-noi-duoc-phat-vi-pham-phong-chay-chua-chay-cao-gap-doi-ca-nuoc-4763615.html