Trong một triệu kỹ sư công nghệ thông tin hiện nay tại Việt Nam, gần một nửa sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn – ngành xu thế trong tương lai.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin, nói tại hội nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế chiều 2/4.
Theo ông Khoa, ngành bán dẫn và công nghệ thông tin trên toàn cầu đang thiếu hụt nguồn lực bởi hầu hết thanh niên ở các nước mạnh về bán dẫn tập trung cho tài chính, logistics. Trong khi đó AI, bán dẫn, chip sẽ là xu hướng của tương lai.
Nhiều đối tác nước ngoài nhận định nguồn nhân lực của Việt Nam được lựa chọn để tham gia hệ sinh thái bán dẫn của thế giới. Thực tế cũng chứng minh trong khoảng một triệu kỹ sư công nghệ thông tin thì gần 500.000 người sẵn sàng chuyển sang làm bán dẫn.
Vì thế ông Khoa đề xuất “ngoại giao tổng lực” cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Việc này cần thực hiện bằng cách đẩy mạnh kết nối với các đại học nước ngoài để chuyển giao chương trình, đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách thu hút FDI bán dẫn. Hình ảnh Vệt Nam gắn với ngành bán dẫn cũng cần tuyên truyền mạnh.
Đồng ý với quan điểm trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn cùng thực hiện trên tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
Năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%, vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài những thuận lợi, Thủ tướng cũng chỉ ra các khó khăn như kinh tế thế giới phục hồi chậm, căng thẳng chính trị gia tăng. Trong nước gặp nhiều sức ép như lạm phát cao, sản xuất kinh doanh khó tiếp cận vốn, chi phí. Nhân lực chất lượng cao hạn chế, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế chậm sửa đổi.
Thủ tướng động viên các cơ quan, doanh nghiệp cần “thắng không kiêu, bại không nản”, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách cho phù hợp tình hình. “Chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển, vừa phải lắng nghe, chia sẻ với các đối tác và tuyệt đối không lợi dụng khi đối tác khó khăn. Khi hợp tác làm ăn thì cả hai bên đều phải có lợi, lợi dụng lúc đối tác khó khăn để đục nước béo cò thì văn hóa Việt Nam không như vậy”, Thủ tướng nói.
Riêng về tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng, Thủ tướng yêu cầu đón tiếp chu đáo đoàn công tác của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam. Khi họ có kiến nghị, các đơn vị cần nắm bắt để xử lý phù hợp.
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thống kê tháng 2/2023 của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhân lực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng chip.
Hồi giữa tháng 3, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn bán dẫn Lam Research, Mỹ khi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng bán dẫn giai đoạn một với số vốn 1-2 tỷ USD tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gan-500-000-ky-su-viet-nam-san-sang-chuyen-sang-nganh-ban-dan-4729753.html