Đồng ThápNhiều đơn vị lúa gạo, thủy sản, trái cây tại ĐBSCL quan tâm nông nghiệp xanh và chú trọng chuyển đổi xanh, sáng 8/11.
Buổi tập huấn chủ đề “Nông nghiệp xanh” diễn ra tại Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, thu hút hàng trăm đại diện doanh nghiệp. Trước khi trình bày nội dung chính, diễn giả Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc văn phòng Ban IV – mời mọi người điền bảng khảo sát, ghi nhận mối quan tâm của họ hiện nay.
Đa số khách mời cho biết đến buổi tập huấn vì muốn tìm hiểu tổng quan chính sách, pháp lý; tham khảo thực tiễn mô hình nông nghiệp xanh đã thành công trong và ngoài nước, từ đó xây cho mình lộ trình cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong có cơ hội thảo luận hệ giải pháp, đồng thời nhận diện cơ hội, thách thức của họ trong bối cảnh nông nghiệp xanh lên ngôi.
Ở tham luận tổng quan chính sách, pháp lý và thực tiễn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy dẫn dắt ý chuyển đổi xanh đang trở thành cuộc đua ở cấp độ toàn cầu. Các thị trường quốc tế khuyến khích, chuộng yếu tố xanh, đặc biệt là hàng nhập khẩu. Họ đã, đang đưa ra loạt yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường (điển hình là chống phá rừng, đối phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải).
Cụ thể, EU ban hành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định chống phá rừng của (EUDR), chỉ thị báo cáo phát triển bền vững (CSRD). Trong khi đó, Mỹ đưa ra Dự thảo đạo luật cạnh tranh sạch (CCA), Dự thảo đạo luật phí ô nhiễm nước ngoài (FPF), Dự thảo đạo luật lựa chọn thị trường (MCA).
Tương tự, Chính phủ Việt Nam có nhiều cam kết với quốc tế, sau đó ban hành loạt nghị định, bộ luật và vạch sẵn chiến lược, kế hoạch, chương trình quốc gia về xanh.
Tiếp đó, bà Ngọc Thủy nhắc đến nghị quyết phát triển bền vững ĐBSCL, chính sách phát triển nông nghiệp xanh. Ngày 19/12/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ký Quyết định số 5430/QĐ-BNN-HTQT phê duyệt đề án thành lập “Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam”.
Khách mời cũng hiểu thêm khó khăn của doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh; đồng thời có thêm gợi ý, giải pháp bước đầu trong lộ trình phát triển nông nghiệp xanh.
Ngay sau bà Ngọc Thủy, Tiến sĩ Phạm Văn Lương – Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam – trình bày tham luận với nội dung “Kinh tế xanh và tuần hoàn trong nông nghiệp: Lộ trình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL”.
Suốt phần trình bày, ông liên tục kêu gọi khách mời chia sẻ quan điểm, định nghĩa về “Nông nghiệp xanh” và “Kinh tế tuần hoàn”, sự khác biệt của hai khái niệm này. Không khí sôi động hơn khi từng chủ doanh nghiệp lần lượt đưa ý kiến, thảo luận nội dung liên quan. Sau đó, ông Lương tổng hợp kiến thức qua bảng biểu, giúp mọi người nắm vấn đề một cách trực quan.
Nông nghiệp xanh
Kinh tế tuần hoàn
Mục tiêu
Giảm thiểu tác động môi trường
Hệ thống sản xuất khép kín, giảm thiểu rác thải
Sử dụng tài nguyên
Tập trung vào hiệu quả và bảo tồn
Tập trung vào tuần hoàn, tái tạo
Quản lý chất thải
Giảm thiểu và xử lý chất thải đúng cách
Chuyển đổi chất thải thành tài nguyên
Thực hành phổ biến
Canh tác hữu cơ, canh tác bảo tồn đất, IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), nông lâm kết hợp
Ủ phân hữu cơ, sản xuất năng lượng sinh học từ chất thải, phục hồi dưỡng chất
Ý nghĩa kinh tế
Chi phí ban đầu cao hơn, thu hút thị trường cao cấp
Tiềm năng tiết kiệm chi phí, tạo ra nguồn thu nhập mới
Ông cho rằng doanh nghiệp đạt nhiều lợi ích khi áp dụng nông nghiệp xanh, tinh tế tuần hoàn như: nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng hình ảnh thương hiệu, thu hút đầu tư, đáp ứng quy định quốc tế.
Tiếp đó, ông Phạm Văn Lương điểm qua kinh nghiệm, loạt dự án thành công từ Helvetas. Điển hình là “Nông nghiệp Xanh: Dự án thương mại thông qua bảo vệ đa dạng sinh học (BioTrade)”; “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao”; “Du lịch xanh Quảng Nam”…
Helvetas là một phần của mạng lưới các tổ chức phát triển, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, Đức, Mỹ, hiện hoạt động tại hơn 30 quốc gia ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Đông Âu. Hiện đơn vị này phát triển bốn lĩnh vực gồm: nông nghiệp bền vững; du lịch bền vững; phát triển kinh tế bền vững; khí hậu và môi trường. Các dự án được tài trợ bởi SECO, EU, USAID, DFAT và BMEL.
Từ những ý trên, ông Lương gợi ý lộ trình nông nghiệp xanh cho MSMEs (doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) ở ĐBSCL. Cụ thể, các đơn vị cần lưu ý 5 bước sau:
Xác định thị trường mục tiêu: quốc tế, trong nước, tương lai.
Áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững: chuyển đổi canh tác phục hồi, mô hình sản xuất khép kín, các kỹ thuật tưới tiêu.
Hợp tác Chính phủ và hỗ trợ quốc tế: tiếp cận tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp thân thiện môi trường.
Tích hợp công nghệ cao: dùng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.
Kiểm kê phát thải carbon: kế hoạch hành động của MSMEs nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Sau phần giải lao, các diễn giả cùng khách mời thảo luận nội dung liên quan kích hoạt đổi mới sáng tạo, nhận diện các mô hình, sáng kiến hợp tác phát triển nông nghiệp xanh, bền vững tại ĐBSCL.
Trước khi khép lại buổi tập huấn, cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp hy vọng có thể tạo dấu ấn với cả nước về nền nông nghiệp xanh, hữu cơ và giới thiệu những đơn vị làm nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch.
Diễn đàn cấp vùng, Mekong Startup lần II năm 2024, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cho khu vực. Chương trình được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các lớp tập huấn về chuyển đổi xanh, Mekong Startup 2024 còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác gồm: cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024; triển lãm – trưng bày nông sản – hội thảo chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.
Đông Vệ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dbscl-huong-ung-lo-trinh-nong-nghiep-xanh-4813454.html