Yên BáiTới đầu ngõ gặp xoáy nước sâu chảy dồn từ mặt đường xuống dốc, chị Trần Thị Tần vứt xe lại rồi lội bộ về nhà sơ tán đồ, nhưng không kịp.
Chị Tần trú phường Minh Tân, TP Yên Bái, ví những cơn mưa lúc 19h tới nửa đêm qua “như trút sầm sập vào đầu”. Nhà cách suối Khe Dài, thuộc tổ 4 phường Minh Tân gần trăm mét, thấp hơn so với mặt đường chính, nhưng chị vẫn tự hào ở nơi “cao nhất nhì thành phố”.
Vợ chồng chị tin rằng nước không thể ngập tới tầng hai. Bởi trong trận lụt lịch sử năm 2008, nhiều nơi của TP Yên Bái chìm sâu, nhà chị chỉ ngập nửa tầng một. Hàng xóm còn mang tủ lạnh sang gửi nhờ. Hai đêm trước, nước sông Hồng báo động ba khiến 2.400 hộ dân phải sơ tán gấp. Nhiều khu dân cư phường Hồng Hà, Yên Ninh phải di tản trong đêm. Song phần lớn phường Minh Tân vẫn khô ráo.
Nhưng 21h13 ngày 9/9, chị Tần phải bấm máy gọi dân quân cứu hộ. Vợ chồng kê tivi, tủ lạnh, quạt điện lên cao, nước vào mấp mé ngõ. Họ chuyển tiếp đồ lên tầng hai thì nước vào tới sân. Chuyển thêm mấy túi quần áo, nước đã ngập đến bắp đùi. “Như Sơn Tinh dời núi cao đến đâu Thủy Tinh dâng nước tới đấy. Cuối cùng, mình đành chịu thua ông giời”, chị nói.
Khắp các ngả đường nước ồ ạt đổ về như thác. Phố Kim Đồng, nhiều nơi thuộc tổ dân phố số 4 lũ lên tới tầng hai. Chỉ trong 10 tiếng từ 19h ngày 9/9 đến 5h ngày 10/9, lượng mưa phổ biến 50-150 mm. Một số nơi cao hơn 300 mm như Yên Ninh 352 mm; Minh Bảo gần 334 mm; Hòa Cuông 249 mm.
TP Yên Bái trải qua đêm 9/9 gần như thức trắng. Dân quân, cán bộ đoàn thể đội áo mưa mang xuồng chia nhau đi các ngõ hỗ trợ. Trên các nhà cao tầng quanh suối Khe Dài, những ánh đèn pin le lói phát tín hiệu cầu cứu. Một số người còn mắc kẹt chưa kịp di tản vì nước lên quá nhanh.
Gần 22h, tổ cứu hộ hàng xóm mặc phao bơi tìm đến. Chị Tần chỉ kịp vơ tờ giấy khai sinh của con nhét vào túi nylon, rồi bám cổ người hàng xóm để ra ngoài. Hai vợ chồng cùng mấy gia đình khác tá túc nhờ một nhà ba tầng ở đầu ngõ – nơi cao ngang mặt đường và chưa bị nước tràn vào.
“Cha sinh mẹ đẻ 39 năm trên đời chưa từng gặp trận lũ lên nhanh thế. Khoảng 30 phút nước đã dâng đến ngực, không ai kịp trở tay”, chị nói, cố cứu vớt tài sản mà chỉ giữ được tờ giấy khai sinh cho con. Nhưng chị “kệ, người quan trọng hơn”.
1h ngày 10/9, ông Hoàng Văn Ngãi, 64 tuổi, trú tổ 4, phường Minh Tân ngồi bần thần trước hiên nhà hàng xóm – nơi tạm cư trong vài ngày chờ nước rút. Nhớ lại ba tiếng trước, ông vẫn rùng mình, nói đêm nay rất khó chợp mắt. Hai phần ba cuộc đời ông từng trải qua những trận lụt 1982, 2008, song chưa có trận nào “nước dâng tới bụng chỉ chưa đầy nửa tiếng”.
Vợ chồng ông Ngãi cùng cháu nội lớp 6 sống trong căn nhà lợp mái tôn. Từ khi được chính quyền nhắc nhở về hoàn lưu bão Yagi có thể gây mưa kéo dài, dẫn tới ngập lụt, nhưng chiều 9/9 khi nước còn cách xa sân nhà nên ông tự tin có thể ứng phó bằng cách kê tất cả đồ đạc lên cao khoảng 1,5 m. Riêng chiếc tivi để trên nóc tủ quần áo, còn hai xe máy gửi nhà hàng xóm.
Nhưng tối qua khi mưa xối xả cuộn nước về các ngõ thấp, ông vội đưa người vợ 60 tuổi bị tai biến cùng cháu trai tới hàng xóm tránh trú, còn mình ở lại giữ nhà. Chỉ 20 phút sau, nước đã ngập tới ngang bụng. Thanh niên hàng xóm lội sang nhà, vừa kéo tay vừa bảo ông “thôi bỏ lại, đi đi”.
Tới nơi lánh nạn được 15 phút, ông Ngãi nghĩ tới bộ sách giáo khoa mới của cháu nội quên đem theo, lại bơi về tìm. Nhưng gần tới nơi, nước đã cao quá cằm. Biết sách đã ướt, ông đành quay lại nơi trú. “Đầu năm học, tôi mua cả sách và đồng phục cho cháu, hết gần 2 triệu đồng. Giờ hỏng cả rồi, không biết có mua lại được không”, ông nói.
Hai con trai ở xa, không đỡ đần được nhiều cho bố mẹ. Các khoản chi tiêu gia đình ông trích từ tiền tiết kiệm, tích cóp được khi còn khỏe. Trước vợ chồng bán thịt lợn đầu ngõ, nhưng từ khi vợ tai biến, ông bỏ hẳn việc chăm bà. Ông Ngãi mong sau lũ cái tủ đừng trôi, tivi không hỏng. Lo nhất bộ sách của cháu nội, áy náy “nó từ miền Nam về ở với ông bà, sách ướt rồi lấy gì mà học”.
“Khổ, nghèo còn mắc cái eo”, ông Thành, trú cùng ngõ góp lời.
Cũng như những nhà khác trong đêm nước lũ dâng, ông Thành chỉ kịp “quơ được cái gì thì lấy cái đó”. Ông bơi hai lần tới chỗ sơ tán, mỗi chuyến đẩy được cái tủ đông, rồi tới tủ lạnh. Thấy nồi cơm điện nổi lềnh bềnh gần đó, ông quơ nốt rồi tiếp tục đẩy. Ra tới nơi, sờ người không thấy điện thoại, ông quay lại căn nhà đã ngập lút mái lần thứ ba để tìm thì thấy trên nóc tủ.
“Chính quyền đã vận động, cho tôi ký cam kết di dời từ hôm qua, tới chiều lại nói lần nữa, nhưng tôi tiếc của nên nấn ná”, ông Thành phân trần. “Tiền bạc, gia tài đều ở đó cả, không tiếc sao được. Tôi ở đây từ năm 1979, chưa bao giờ lũ kinh hoàng như hôm nay”.
Anh Nguyễn Quang Huy, 34 tuổi, cùng cảnh trở tay không kịp như những người hàng xóm. Từ chiều 9/9, anh đã đưa vợ và con trai đến nhà ông bà nội cách 400 m để phòng mưa lớn, nước lên. Lo cho vợ con xong, anh an tâm, tự nhận có phần chủ quan khi không nhanh chóng di dời đồ đạc và rời nhà.
Tới khi nước lên tới mặt sân, anh Huy vội đem chiếc tivi sang nhà hàng xóm gửi, rồi bì bõm dắt theo chiếc xe Dream cũ tới nơi cao ráo hơn. Quay đi quay lại chỉ nửa tiếng, nước đã tới ngực trong khi mưa vẫn như trút, anh biết mình không thể về nhà nữa, đành ở tạm hàng xóm.
“Biết là người còn, của còn nhưng xót chứ. Không dám nói mất sạch, nhưng gần như hỏng hết”, anh nói. Điều anh buồn nhất là “lúc chạy lũ còn không kịp mang theo hai con mèo”.
Đêm qua, chính quyền Yên Bái công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sau mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng. Đây cũng là địa phương thuộc diện nguy cơ sạt lở cao nhất trong 15 tỉnh miền Bắc do lượng mưa cao.
Thanh Hằng – Hoàng Phương
VnExpress mở chiến dịch “Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dem-chay-lu-khong-kip-tro-tay-4791303.html