Bộ Tư pháp vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, tập trung vào việc “nới lỏng” các điều kiện nhập tịch.
Nội dung này được Bộ lý giải là phù hợp với chủ trương của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời hướng tới mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Điểm mới trong dự thảo lần này là đề xuất miễn một số điều kiện nhập tịch cho một số nhóm. Theo đó, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam sẽ không còn bắt buộc phải đáp ứng điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng mở rộng đáng kể các trường hợp được miễn điều kiện khắt khe về ngôn ngữ, thời gian thường trú tối thiểu 5 năm và khả năng đảm bảo cuộc sống. Ưu đãi này được đề xuất áp dụng cho những người thuộc một trong các trường hợp: có cha, mẹ hoặc ông bà nội, ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoặc có lợi cho Nhà nước.
Một thay đổi quan trọng khác trong dự luật là việc bỏ quy định về trường hợp đặc biệt được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Thay vào đó, Bộ Tư pháp đề xuất giao quyền quy định các điều kiện cụ thể cho trường hợp này cho Chính phủ.
Mẫu hộ chiếu của Việt Nam (màu xanh). Ảnh: Hoàng Phong
Bộ Tư pháp cũng đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện đối với người đã mất quốc tịch Việt Nam có nguyện vọng xin trở lại.
Theo quy định hiện hành, người đã mất quốc tịch Việt Nam muốn xin trở lại phải thuộc một trong 6 trường hợp. Đó là xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có lợi cho Nhà nước; thực hiện đầu tư tại Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
Tuy nhiên, dự thảo mới đã bãi bỏ toàn bộ các điều kiện này. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai tất cả trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam khi có đơn xin trở lại đều có thể được cơ quan chức năng xem xét và phê duyệt.
Dự thảo Luật cũng trao quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được phép đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Điều kiện tiên quyết cho phép giữ hai quốc tịch là phải phù hợp với pháp luật của quốc gia mà người đó mang quốc tịch và không gây phương hại đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, cũng như không xâm hại đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Lý giải cho đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho biết sự thay đổi chính sách quốc tịch của nhiều quốc gia, cho phép công dân mang hai quốc tịch, đã thúc đẩy nhiều người Việt Nam từng thôi quốc tịch để nhập tịch nước ngoài bày tỏ mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Nguyện vọng này cũng được đại diện nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đề đạt lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đến tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước đã quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 311 trường hợp và cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 7.014 người. Trong đó, có 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, phần lớn là người có công lao đặc biệt đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy các quy định hiện hành vẫn còn một số rào cản, chưa thực sự tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nguyện vọng chung của nhiều kiều bào là được có quốc tịch Việt Nam mà vẫn có thể giữ quốc tịch nước ngoài.
Vì vậy cơ quan soạn thảo đánh giá việc “nới lỏng” chính sách cho nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam là bước đi quan trọng để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa để kiều bào và người nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại cuộc họp chiều 31/3, Thường trực Chính phủ thống nhất xem xét tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng quay trở lại quốc tịch Việt Nam. Chủ trương này khẳng định sự coi trọng, quan tâm của Đảng, Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng của bà con; góp phần phát huy nguồn lực quan trọng từ kiều bào ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-noi-long-chinh-sach-nhap-tich-viet-nam-4871610.html