Hạng mục xây đường băng số 2 và đường lăn thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 2 dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 3.455 tỷ đồng, hoàn thành năm 2027.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tuần qua đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hạng mục thứ nhất là xây đường cất hạ cánh số 2 dài 4.000 m song song với đường cất hạ cánh số 1, hệ thống đường lăn, đường nối, đèn tín hiệu, biển báo, trang thiết bị quản lý bay và các công trình khác. Khu vực xây đường cất hạ cánh số 2 nằm trong phạm vi đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810 ha, đã được giải phóng mặt bằng.
Hạng mục thứ hai là san nền khu vực nhà ga hành khách T3 có diện tích khoảng 181 ha, tổng mức đầu tư 1.956 tỷ đồng. Khu vực san nền đã được giải phóng mặt bằng, nằm trong khu xây dựng sân bay giai đoạn 2 đang được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý.
Theo ACV, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang bám sát kế hoạch đề ra, nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh số 1 có thể đưa vào khai thác năm 2026. Công suất của dự án 25 triệu lượt khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tương tự một số cảng lớn trong nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Để đảm bảo năng lực khai thác, các cảng hàng không này cần có thêm đường cất hạ cánh để tránh toàn bộ sân bay bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra sự cố máy bay, thiên tai, hoặc bảo trì, bảo dưỡng đường cất hạ cánh.
Hơn nữa, do đặc thù đất đỏ, bụi sét mịn tại khu vực Long Thành nên khi sân bay giai đoạn 1 đi vào hoạt động, việc thi công đường cất hạ cánh số 2 và san nền nhà ga hành khách T3 sẽ gây ra hiện tượng phát tán bụi mịn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác vận hành của sân bay.
Vì vậy, ACV cho rằng việc xem xét xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền nhà ga T3 là “hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1”.
Nếu đề xuất này được thông qua, hai hạng mục quan trọng tại dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2 (2025-2030) sẽ được đẩy lên nghiên cứu đầu tư ngay từ năm 2024, đưa công trình vào khai thác từ quý I/2027.
Về nguồn vốn, lãnh đạo ACV cho biết hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2 sẽ do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp. Dự án san nền nhà ga hành khách T3 sẽ dùng vốn đầu tư công do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Qua rà soát hơn một nửa số gói thầu của sân bay Long Thành giai đoạn I đã thực hiện cho thấy so với dự toán ban đầu, chủ đầu tư đang tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng, có thể dành đầu tư xây dựng đường băng số 2.
Năm 2023, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường băng thứ 2 để đầu tư ngay sau khi hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Dự án cảng Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 16,06 tỷ USD, chia 3 giai đoạn đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Giai đoạn 2 xây thêm một đường băng và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa một năm.
Hiện trên công trường dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hơn 2.000 máy móc thi công. Các gói thầu được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa sân bay vào khai thác năm 2026.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-hon-3-400-ty-dong-xay-duong-bang-so-2-san-bay-long-thanh-4785688.html