GS Nguyễn Quốc Sửu đề xuất không chia tách các thành phố trực thuộc tỉnh mà chuyển nguyên trạng thành cấp cơ sở khi xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Sáng 9/4, tại hội thảo khoa học quốc gia Mô hình chính quyền địa phương hai cấp: Vai trò của cấp xã – đơn vị cơ sở mới, GS Nguyễn Quốc Sửu, Phó giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, cho rằng các thành phố thuộc tỉnh là sản phẩm của sự phát triển lâu dài. Việc chia nhỏ chúng thành các phường có thể làm mất đi động lực phát triển kinh tế xã hội.
“Như vậy khó có thể đạt được một trong những mục tiêu của tinh gọn bộ máy là tạo động lực phát triển kinh tế xã hội”, GS Sửu nói, đề xuất áp dụng tương tự với các thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương như Thủ Đức (TP HCM) và Thủy Nguyên (Hải Phòng).
GS Nguyễn Quốc Sửu, Phó giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, phát biểu sáng 9/4. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Lê Thành Đông, Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), ủng hộ chủ trương bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã. Tuy nhiên, ông cho rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị cần cân nhắc nhiều yếu tố đặc thù như mật độ dân cư cao, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh riêng biệt, cũng như tiềm năng thu hút đầu tư.
“Nếu một dự án đầu tư nằm trên địa bàn 2-3 phường thì các khâu như giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan sẽ gặp khó khăn hơn so với việc không chia tách các đô thị”, ông nói
Ngoài ra, nhiều đô thị như Sa Pa, Đà Lạt, Nha Trang, Vinh… có bề dày truyền thống, văn hóa, lịch sử và đã định vị được thương hiệu, nên “cần có phương án sắp xếp phù hợp với sự phát triển đô thị”.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, các thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được xác định là đơn vị hành chính cấp huyện. Hiện cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh và 53 thị xã, cùng hai thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là Thủ Đức và Thủy Nguyên.
Tránh “đồng phục hóa” chính quyền địa phương
Giáo sư Nguyễn Quốc Sửu đánh giá Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong hơn một thập kỷ qua, tập trung vào tái cấu trúc bộ máy, phân cấp quản lý và tinh gọn đơn vị hành chính. Dù vậy, những nỗ lực này vẫn mang tính hình thức và chưa giải quyết được cốt lõi của cải cách thể chế, đặc biệt là vấn đề phân quyền thực chất và trách nhiệm giải trình.
Dẫn chứng về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nơi cấp phường không còn HĐND, GS Sửu nhận định “đây mới chỉ là thay đổi về hình thức”, trong khi quyền tự chủ về tài chính, nhân sự và sự tham gia của người dân chưa được cải thiện đáng kể. Tương tự, việc sáp nhập huyện xã từ năm 2019 đến nay dù nhằm khắc phục tình trạng “xã quá nhỏ, huyện quá yếu”, nhưng nếu không đi kèm đổi mới phương thức quản trị, cơ chế tài chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công, thì hiệu quả quản lý vẫn không được nâng cao.
Theo GS Sửu, chính quyền địa phương hiện nay thiếu không gian thể chế độc lập, chủ yếu đóng vai trò là cấp hành chính – kỹ thuật thực thi mệnh lệnh từ trung ương. Việc thiếu tự chủ tài chính, không có quyền lựa chọn cán bộ chủ chốt và phân cấp không rõ ràng trong quản lý dịch vụ công đã hạn chế khả năng điều chỉnh chính sách theo nhu cầu thực tế của địa phương, dẫn đến sự trì trệ và thiếu linh hoạt của bộ máy nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này trong quá trình bỏ cấp huyện và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, GS Sửu đề xuất “không đồng phục hóa” mô hình chính quyền mà tiến tới phân loại địa phương theo chức năng và điều kiện thực tế thành ba nhóm chính.
Chính quyền đô thị với cơ chế quản lý linh hoạt, điều hành tập trung và cung ứng dịch vụ công chất lượng cao; chính quyền nông thôn chú trọng ổn định bộ máy, phân quyền dân sinh và phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường; và chính quyền khu vực động lực áp dụng mô hình bán tự trị hoặc khu vực đặc quyền quản trị với cơ chế đặc thù về ngân sách, nhân sự và tổ chức bộ máy cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, vùng biên giới đặc thù.
GS Sửu nhấn mạnh việc phân loại cần dựa trên nền tảng chuẩn hóa năng lực thể chế, chỉ khi địa phương đạt các tiêu chí nhất định về năng lực điều hành, quản lý tài chính và nguồn nhân lực mới được trao quyền tự chủ cao hơn. Mô hình này “đã được áp dụng thành công ở Indonesia và Trung Quốc”.
Vũ Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-giu-nguyen-trang-thanh-pho-thuoc-tinh-4871832.html