Dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số đầu mối sẽ giảm từ 55 xuống còn 30.
Ngày 10/12, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai bộ sau hợp nhất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm một tổng cục, bốn cục, vụ
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện có 7 đơn vị tham mưu tổng hợp; 15 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành; 2 tổ chức phối hợp liên ngành; 15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 4 doanh nghiệp trực thuộc.
Sau khi hợp nhất, Ban Chỉ đạo đề án đề xuất kết thúc mô hình Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tổ chức lại thành Cục Khí tượng Thủy văn. Ba đơn vị quản lý về đất đai (Vụ Đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất) dự kiến hợp nhất thành Cục Quản lý đất đai.
Hai đơn vị quản lý về môi trường gồm Vụ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ hợp nhất thành Cục Bảo vệ môi trường. Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ hợp thành Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Ba cục Biến đổi khí hậu; Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Viễn thám quốc gia và hai văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Thường trực Ủy ban sông Me Kong Việt Nam được đề xuất duy trì.
4 cục dự kiến tiếp tục duy trì và thực hiện hợp nhất, hoặc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ từ các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Quản lý tài nguyên nước; Biển và Hải đảo Việt Nam; Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu môi trường.
7 đơn vị tham mưu tổng hợp sẽ tiếp tục duy trì và hợp nhất với các đơn vị tương ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ.
Đối với đơn vị sự nghiệp, Ban Chỉ đạo đề xuất Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tài nguyên và Môi trường; báo Tài nguyên và Môi trường; tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ hợp nhất với các đơn vị có chức năng tương ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được đề xuất kiện toàn theo hướng không đưa vào cơ cấu của Bộ; định hướng hợp nhất với đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi sắp xếp theo phương án trên, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm một tổng cục, 4 cục, vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm một đơn vị tham mưu, 5 cục
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 8 đơn vị tham mưu tổng hợp; 13 đơn vị quản lý nhà nước liên ngành; 64 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 6 tổ chức đặc thù. Sau rà soát, Ban Chỉ đạo đề xuất hợp nhất Cục Thủy lợi và Cục Quản lý Xây dựng công trình thành Cục Quản lý và Xây dựng công trình Thủy lợi.
Cục Trồng trọt hợp nhất với Cục Bảo vệ thực vật thành Cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành Cục Chăn nuôi – Thú y; Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm hợp thành Cục Lâm nghiệp – Kiểm lâm. Ba cục Thủy sản, Kiểm ngư cùng Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường hợp nhất thành Cục Thủy sản – Kiểm ngư.
Riêng hai Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục duy trì.
Ở cấp vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hợp nhất Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính với Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ cũng sẽ hợp nhất với các đơn vị tương ứng của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn hợp nhất với Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường. Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.
Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ hợp nhất với báo Tài nguyên và Môi trường; tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với tạp chí Tài nguyên và Môi trường. Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp sẽ hợp nhất với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường.
Sau khi sắp xếp, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 1/8 đơn vị tham mưu tổng hợp, giảm 3/13 cục quản lý chuyên ngành.
Đề xuất lấy tên gọi sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường
Trong báo cáo đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai bộ đề xuất tên gọi sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, thay vì Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường như đề xuất của Chính phủ.
Việc đề xuất tên gọi của bộ sau khi được hợp nhất được cho là bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai bộ hiện nay; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.
Về cơ cấu tổ chức của bộ mới sau khi hợp nhất có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với tổng số 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ (giảm 45%). Trong đó, khối tham mưu tổng hợp giảm 8 đầu mối (giảm 50%); khối quản lý nhà nước chuyên ngành giảm 10 đầu mối so với tổng số 27 đầu mối hiện có (giảm 37,03%); khối các đơn vị sự nghiệp giảm 7 đầu mối so với 12 đầu mối hiện có (giảm 58,33%).
Thời hạn hoàn thành các đề án theo phương án hợp nhất trước ngày 13/12/2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ ngày 1/12/2024 đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và Bộ sẽ tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức; bổ nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
Chính phủ cũng dự kiến hợp nhất nhiều bộ ngành khác. Trong đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng hợp nhất, lấy tên là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn.
Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hợp nhất, dự kiến lấy tên Bộ Nội vụ và Lao động; chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Phạm Chiểu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-giam-25-dau-moi-sau-khi-hop-nhat-hai-bo-nong-nghiep-va-tai-nguyen-4826534.html