Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng cho rằng quy định cấm kinh doanh giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi.
Ngày 12/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Điều 41 dự thảo nêu bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa hiện hành không cấm sử dụng bảo vật quốc gia để kinh doanh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Hội đồng Văn hóa – Xã hội, cho rằng bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Việc quản lý chặt chẽ giúp bảo tồn giá trị của bảo vật, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp di sản được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau.
Vì vậy, ông đồng tình bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng chỉ được chuyển nhượng, trao tặng, thừa kế trong nước và không được dùng để kinh doanh. “Quy định như vậy đảm bảo người sở hữu bảo vật không bị hạn chế, tước đoạt quyền sở hữu, định đoạt với tài sản theo Bộ luật Dân sự, mặt khác vẫn tránh được việc bảo vật bị đem ra kinh doanh, lợi dụng”, theo ông Hùng.
Dự thảo cũng nêu di vật (hiện vật có giá trị được lưu truyền lại), cổ vật (di vật có từ 100 tuổi trở lên) thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ở trong nước. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng các hiện vật này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, đồng tình việc phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để ứng xử phù hợp. Theo đó, ông đề xuất cấm kinh doanh bảo vật quốc gia cả trong, ngoài nước và cấm mua bán cổ vật của Việt Nam ra nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với di vật không thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu, đặc biệt, ông kiến nghị tiếp tục cho phép mua bán. “Như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu cho công chúng”, ông Năng đề xuất.
Luật Di sản văn hóa hiện hành cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và thừa kế di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước ở cả trong và ngoài nước. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng cần nghiên cứu bãi bỏ quy định này để siết chặt việc mua bán di vật, cổ vật ra nước ngoài, tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cả nước đã có 265 bảo vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Trong đó, 153 bảo vật được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng.
Thời gian qua, cổ vật của Việt Nam liên tục bị chào bán ở nước ngoài. Tháng 10/2021, mũ quan triều Nguyễn đạt mức giá 600.000 euro, khoảng 15,7 tỷ đồng, trong phiên đấu giá cổ vật tại Tây Ban Nha. Tháng 6/2022, bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro, khoảng 20,7 tỷ đồng, trong phiên đấu giá của Drouot. Năm tháng sau, hãng Millon của Pháp chào bán ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công để chuyển giao ấn về Việt Nam năm, sau khi doanh nhân Nguyễn Thế Hồng chi ra 6,1 triệu Euro, khoảng 153 tỷ đồng.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-cam-dung-bao-vat-quoc-gia-de-kinh-doanh-4721406.html