Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị quản lý dao có tính sát thương cao theo mục đích sử dụng gồm công cụ lao động sản xuất, vũ khí thô sơ và vũ khí quân dụng.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Thường vụ Quốc hội sáng 13/6 định nghĩa dao có tính sát thương cao là “dao sắc, nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành”. Điều này thay đổi so với đề xuất trước đây, loại bỏ quy định về độ dài lưỡi dao trên 20 cm.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết một số đại biểu cho rằng quy định về chiều dài lưỡi dao, độ sắc, nhọn hoặc các thông số kỹ thuật của dao không phù hợp và khó áp dụng; thay vào đó nên quy định về đặc tính, tính năng. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tiếp thu ý kiến và điều chỉnh nội dung dự luật.
Ba chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng đã được đề xuất. Trường hợp dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, ngăn chặn nguy cơ sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan công an nơi đặt trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc cư trú.
Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối người thi hành công vụ sẽ bị coi là vũ khí thô sơ.
Trường hợp dùng dao với mục đích “xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật”, cơ quan chức năng sẽ coi là vũ khí quân dụng. Người phạm tội có thể bị xử lý hình sự về tội danh liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép; chiếm đoạt vũ khí quân dụng hoặc bị áp dụng tình tiết tăng nặng liên quan đến sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết chỉ dao được sử dụng với mục đích trái pháp luật mới được xác định là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ.
Theo Bộ Công an, trong 28.700 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gần 25.400 vụ (chiếm 88%) tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, dao. Nhiều loại dao nguy hiểm như dao bầu, dao phay, dao quắm được dùng gây án với tính chất manh động, tàn ác. Nhiều thanh, thiếu niên thành lập các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc nhọn, hàn thêm tuýp sắt để giải quyết mâu thuẫn. Do đó, dao có tính sát thương cao cần đưa vào nhóm vũ khí thô sơ nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi, giảm nguồn tội phạm.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi vào ngày 28/6.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dao-co-tinh-sat-thuong-cao-se-duoc-quan-ly-theo-ba-cap-do-4757955.html