Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng.
Nội dung này nằm trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, được Quốc hội thông qua sáng 17/5. Diện thụ hưởng gồm: đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan lực lượng vũ trang làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên.
Quốc hội cũng thông qua nhiều cơ chế thu hút và phát triển nhân lực trong lĩnh vực này. Cụ thể, người tốt nghiệp xuất sắc từ đại học trở lên, hoàn thành đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật sẽ được ưu tiên xét tuyển vào cơ quan pháp luật.
Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc sẽ được áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng, có thể kéo dài thời gian công tác dù không giữ chức vụ. Họ được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch hoặc bố trí làm lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đánh giá năng lực và thành tích.
Những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết trách chấp quốc tế, sẽ được áp dụng cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ.
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, sáng 17/5. Ảnh: Media Quốc hội
Xây dựng mỗi bộ luật mới được khoán chi 14 tỷ đồng
Theo Nghị quyết, ngân sách sẽ đảm bảo chi cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Mức khoán chi cho xây dựng mỗi bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành từ dự thảo đến lúc thông qua là 14 tỷ đồng; mức chi cho xây dựng luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 12,5 tỷ đồng; bộ luật sửa đổi bổ sung 7 tỷ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 6,5 tỷ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành 4 tỷ đồng; nghị quyết thí điểm của Quốc hội 5 tỷ đồng…
Trong các chi phí nêu trên, việc xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70%; chi phí thẩm tra, thông qua 30%. Xây dựng nghị định của Chính phủ dao động từ 1 đến 1,8 tỷ đồng. Xây dựng thông tư của các bộ ngành là 350 triệu đồng.
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2025.
Vũ Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-duoc-ho-tro-100-luong-hien-huong-4887189.html