Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đà Nẵng có thể phát triển vượt trội nếu có cơ chế, chính sách đột phá và được “phân cấp trọn gói”.
Góp ý dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng ngày 7/6, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM) đánh giá TP Đà Nẵng có nhiều điều tiềm năng để phát triển. Thành phố nằm ở vị trí chiến lược “rất quan trọng”, giáp Biển Đông với đường bờ biển dài khoảng 92 km, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Đà Nẵng là cửa ngõ giao lưu với miền Trung – Tây Nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam, là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thực hiện nghị quyết chính sách đặc thù từ 2019, thành phố “đã vươn mình mạnh mẽ” với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ cao. Kinh tế Đà Nẵng đã phát triển và tăng tốc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 9 năm từ 2011 đến 2019 từ 7,9 đến 8%. Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì Đà Nẵng đã suy giảm và tốc độ tăng trưởng giảm dần, năm 2023 chỉ đạt 2,58%.
Theo ông Ngân, thành phố đã nổi lên với ba điểm sáng quan trọng, trở thành điểm đến du lịch của cả nước và thế giới. Khách du lịch đã tăng gấp đôi với những nơi du lịch đáng đến như là Mikazuki, sân golf Bà Nà Hill hay Mỹ An. Năm 2023, Đà Nẵng đã thu hút 372 đoàn khách quốc tế, đoàn đầu tư và giành nhiều giải thưởng về đô thị thông minh, chuyển đổi số.
“Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu như chúng ta có cơ chế, chính sách đột phá dành cho thành phố”, ông nói, cho rằng sau kết luận của Bộ Chính trị, việc sớm thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết.
Ủng hộ cơ chế thành lập khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, ông Ngân nói đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới và đặc biệt những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc là 21… Hơn 30 năm qua, khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.
“Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp 3.260 km và đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là điểm thuận lợi để Đà Nẵng đi đầu và thực hiện cơ chế thí điểm, sau đó thực hiện ở các tỉnh thành có đặc điểm tương tự như Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Trà Vinh và TP HCM”, ông Ngân nói.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương) nói nếu thông qua đề xuất đặc thù cho hai tỉnh thành tại kỳ họp này, cả nước sẽ có 10 địa phương có nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù. Đó là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Huế, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk).
Dù chính sách mang lại không ít hiệu quả, song ông Trí băn khoăn “tại sao cơ chế đặc thù chỉ được áp dụng ở một vài địa phương và vẫn tập trung vào những nơi có nhiều thế mạnh?”. “Cơ chế cho Đà Nẵng có thể áp dụng tốt cho Nha Trang, Kiên Giang, Quảng Ninh”, ông nói, cho rằng nhiều tỉnh thành cũng cần cơ chế đặc thù phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa để giảm bớt khó khăn, bất lợi và phát huy thế mạnh để bứt phá.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tất cả tỉnh thành xây dựng cơ chế đặc thù riêng, trong đó ưu tiên tỉnh khó khăn, tỉnh chưa phát triển, tỉnh nghèo”, GS Trí nói.
Phát triển khu thương mại tự do ở Đà Nẵng “không cầu toàn”
Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng 6 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 6 vùng kinh tế của đất nước. Thủ tướng cũng giao Bộ rà soát cơ chế, chính sách của 10 địa phương có chính sách đặc thù, nội dung nào hiệu quả thì nhân rộng ra các tỉnh thành.
Về khu thương mại tự do cho Đà Nẵng, ông nói “chúng ta không thể chờ đợi, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư rất khốc liệt. Dòng đầu tư nước ngoài đang sụt giảm rất nhiều. Môi trường đầu tư không tốt thì họ đi nước khác”.
Theo Bộ trưởng, dòng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và các nước phát triển. Số còn lại đang phân chia và chịu sự cạnh tranh rất lớn giữa các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Trung Quốc. Trung Quốc lập khu thương mại tự do Thượng Hải với phương châm “không cầu toàn”, thực hiện được 12 năm và đạt thành công rất lớn. Họ thử nghiệm chính sách hay để thu hút đầu tư, tận dụng triệt để cơ hội khai thác lợi thế về dòng tiền, công nghệ…
“Ở Thượng Hải, nhờ chính sách vượt trội về cải cách thủ tục, nhà máy ôtô Tesla giá trị 2-3 tỷ USD từ khi khởi công và đưa vào khai thác chỉ trong 11 tháng. Trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD cũng chỉ mất 68 ngày để xây dựng”, ông Dũng nói, nhấn mạnh cần có cơ chế để Đà Nẵng có thể làm được như vậy.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết Đà Nẵng đã đề xuất và Bộ cũng rất ủng hộ việc xây dựng cơ chế “một cửa – tại chỗ và phân cấp triệt để” giúp các doanh nghiệp thuận lợi khi làm thủ tục ở khu thương mại tự do. “Việc này phải làm mạnh dạn, không nửa vời, không phải đưa về bộ này, bộ kia”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, khu thương mại tự do sẽ thử nghiệm chính sách mới là cho phép thành lập văn phòng đại diện mà không cần dự án. Đây là cơ hội Việt Nam mời gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đóng góp cho nền kinh tế.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vào ngày 26/6.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/da-nang-se-phat-trien-hon-nua-neu-co-chinh-sach-dot-pha-4755610.html