Thành phố đề xuất chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng học nghề cho mỗi thanh thiếu niên hư, học sinh bỏ học, người bán dâm hoàn lương học nghề.
Nội dung được nêu trong tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng gửi HĐND thành phố, để xem xét thông qua tại kỳ họp diễn ra 12-14/12.
Trước đó năm 2015, UBND TP Đà Nẵng từng có chính sách “gom” người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại hay lạm dụng tình dục, vào cơ sở bảo trợ xã hội để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề. Thời gian qua, thành phố cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến chứa mại dâm, tổ chức bán dâm; triệt phá đường dây bán dâm 3 triệu đồng; nhiều vụ lợi dụng bán dâm để trộm cắp.
Tình hình tội phạm chưa thành niên diễn biến phức tạp, chỉ riêng năm 2023 công an đã điều tra, khởi tổ 39 vụ với 111 người, xử lý hành chính 96 vụ, với 238 người dưới 18 tuổi vi phạm về trật tự xã hội.
UBND Thành phố cũng đề xuất lao động trong các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, có hộ khẩu Đà Nẵng, được thành phố hỗ trợ đào tạo nghề tối đa 3 triệu đồng một người một khóa học. Người học nghề phải trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp, được UBND xã, phường xác nhận.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các nhóm lao động nêu trên từ nguồn ngân sách, bình quân một năm 190 triệu đồng. Mỗi khóa đào tạo nghề sơ cấp không quá 3 tháng. Người lao động chỉ được hỗ trợ một lần để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề. Riêng những người đã được học nghề nhưng bị mất việc làm có thể được xem xét học nghề khác.
Từ năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 31 về hỗ trợ học nghề cho các nhóm lao động nêu trên. Tính đến năm 2022, đã có 147 người hoàn thành khóa học, kinh phí thành phố bỏ ra là 306 triệu đồng.
Theo đánh giá, việc thực hiện chính sách trên đã giúp giải quyết việc làm và có nguồn thu nhập cho nhiều người ổn định cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình có việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên việc hỗ trợ tiền học nghề cho lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm; lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất là chính sách đặc thù riêng của địa phương, Trung ương không quy định.
“Việc hỗ trợ cho các nhóm lao động trên tại quyết định số 31 là chưa phù hợp vì chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, cần để cơ quan này ban hành Nghị quyết nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý”, báo cáo nêu.