Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc 63 tỉnh thành xây 1.260 công trình điều khắc trong 10 năm tới là chưa phù hợp khi còn rất nhiều nhiệm vụ khác phải ưu tiên.
Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát và 10 nội dung thành phần. Trong đó có xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa.
Tại nội dung thành phần thứ 5 về phát triển văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất hàng năm 100% các tỉnh, thành có 1-2 tác phẩm, công trình mỹ thuật điêu khắc, trang trí cảnh quan, không gian ngoài trời. Các địa phương đầu tư 2-3 tác phẩm, công trình mỹ thuật, nhiếp ảnh; 1-2 tác phẩm nghệ thuật biểu diễn về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Chương trình đặt mục tiêu 100% thành phố trực thuộc trung ương có tối thiểu một công trình văn hóa tiêu biểu (nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm chiếu phim hoặc trung tâm triển lãm) mang đậm nét giá trị văn hóa của thành phố cấp châu lục và quốc tế. Cả nước xây dựng 1-2 công trình mỹ thuật điêu khắc; 5-7 tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mang tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng với chỉ tiêu này, sau 10 năm thực hiện chương trình (2025-2035) thì mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật. “Chúng ta có 63 tỉnh, thành, tương đương 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật. Liệu có nhất thiết phải như vậy không trong khi chúng ta còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên?”, nữ đại biểu băn khoăn.
Theo bà Mai, nếu hệ thống mục tiêu này được Quốc hội thông qua, cả nước sẽ trở thành một đại công trình và kinh phí phải bỏ ra là rất lớn. Khi giám sát tối cao về nội dung này, các đại biểu đều đánh giá đây là lĩnh vực rất tốn kém do tính ứng dụng còn thấp. Vì vậy, bà đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp mục tiêu theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng quan tâm đến nhóm chính sách về văn học, nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) băn khoăn về chỉ tiêu đặt hàng các bộ phim của UBND cấp tỉnh hàng năm. Theo đó, mỗi năm các tỉnh phải đặt hàng hoặc đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước đạt ít nhất một phim. UBND tỉnh quy định cụ thể thể loại và số lượng phim theo nhu cầu thực tế của địa phương. Chất lượng phim đạt ít nhất 20-25% phim xếp loại xuất sắc (bậc III).
Đại biểu Nga cho rằng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của nhân dân không thể định lượng cụ thể mỗi năm cần bao nhiêu bộ phim, vở kịch hay tập thơ. “Sáng tạo văn học nghệ thuật là hoạt động đặc thù phụ thuộc vào tài năng và cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ nên UBND tỉnh cũng không thể quy định cụ thể thể loại và số phim theo nhu cầu thực tế của từng địa phương”, bà Nga nêu.
Vì vậy, bà Nga cho rằng “không có căn cứ” để xác định nhu cầu thực tế của địa phương trong sản xuất phim và cũng không phải tỉnh nào cũng có thể sản xuất phim được. Cơ quan soạn thảo nên xem xét lại nhóm chính sách này.
256.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa ‘là quá lớn’
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nguồn lực thực hiện Chương trình trong 5 năm đầu là 122.250 tỷ đồng; 5 năm sau là 134.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn đầu, 77.000 tỷ lấy từ ngân sách Trung ương. Trong đó, số chi cho đầu tư phát triển là 50.000 tỷ và 27.000 tỷ vốn sự nghiệp. Vốn ngân sách địa phương dành cho chương trình khoảng 30.250 tỷ đồng với 18.000 tỷ chi cho đầu tư phát triển và 12.250 tỷ vốn sự nghiệp. Bộ dự tính huy động xã hội hóa khoảng 15.000 tỷ.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam) nói chương trình đề xuất tổng mức đầu tư là 256.000 tỷ đồng tương đương 10 tỷ USD. Bình quân chi cho chương trình là một tỷ USD/năm. “Nếu tính trong tổng GDP 452 tỷ USD hiện nay của Việt Nam thì số chi một tỷ USD là khá lớn”, ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng căn cứ để xác định vốn đầu tư không tương thích với 10 thành phần của chương trình, chưa đủ cơ sở để làm rõ tổng mức đầu tư. Cơ quan soạn thảo chủ yếu tham chiếu từ các hạng mục được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trong khi giá cả thị trường và quy mô nền kinh tế liên tục thay đổi.
“Việc đưa tổng mức đầu tư để Quốc hội phê chuẩn là thiếu cơ sở thực tế và gây khó khăn cho điều hành của Chính phủ sau này”, ông Huân nói, đề nghị rà soát 10 thành phần chương trình, xác định mục tiêu cụ thể, định lượng được.
Ông đề xuất ban soạn thảo xây dựng các dự án thành phần phải rõ ràng chi phí từng năm, bám sát từng thành phần gồm hạng mục vật thể, phi vật thể tương ứng ước tính GDP của Việt Nam. Nguồn lực cho chương trình phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của từng thời kỳ. “Quốc hội sẽ duyệt chi cho chương trình theo GDP hàng năm, còn các hạng mục cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định dự trên hạng mục thực tế”, ông Huân nêu quan điểm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ nói đây không phải lần đầu có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trước đó, chương trình giai đoạn 2011-2016, 2016-2020 đều đặt nhiều mục tiêu lớn, song kết quả không như mong muốn. Nguồn lực 5.000 tỷ đồng song chỉ giải ngân được 60%.
Ông Hạ hoài nghi hồ sơ đề xuất chủ trương lần này “đã đúng, đủ và phù hợp với luật chưa”. Chương trình xây dựng 10 nội dung, sau đó Chính phủ sẽ triển khai với nguồn kinh phí tương ứng là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công khi luật yêu cầu xây dựng thành các dự án thành phần với nguồn kinh phí rõ cho mỗi dự án.
Bên cạnh đó, Chương trình đặt mục tiêu xây dựng nhà văn hóa cho hơn 10.500 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng lại chưa có số lượng xã đã có nhà văn hóa, thực trạng, hiệu quả sử dụng, phân kỳ đầu tư. Nếu cơ quan soạn thảo không làm rõ được nội dung này thì không có cơ sở để đưa ra tổng mức đầu tư và không đúng với quy định pháp luật, theo ông Hạ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trịnh Xuân An cũng băn khoăn về phạm vi và quy mô chương trình này quá lớn, dàn trải với 10 nội dung thành phần và hàng trăm hoạt động chi tiết. “Căn cứ vào đâu để đưa ra tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng khi chưa làm rõ nguồn cho từng nội dung thành phần”, ông An đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết nguồn lực của chương trình đã được Bộ lấy ý kiến tất cả cơ quan, địa phương và nhiều nhà khoa học. Các ý kiến đều đồng tình về phương án tiếp cận, đảm bảo không bỏ sót các mục tiêu quan trọng về văn hóa. Về đề nghị xây dựng danh mục dự án cụ thể để có cơ sở đề xuất nguồn lực cho chương trình, ông Hùng nói sẽ tiếp thu, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo lại Quốc hội.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-nhat-thiet-xay-1-260-cong-trinh-dieu-khac-trong-10-nam-toi-4760082.html