Chuyên gia quân sự sẽ được nhận thù lao đặc biệt, hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân và ưu tiên nhà công vụ.
Chiều 27/6, Quốc hội thông qua dự Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó điều 66 quy định chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tại cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh nòng cốt.
Theo đó, chuyên gia được đàm phán và hưởng lương, thưởng theo thỏa thuận với cơ sở công nghiệp quốc phòng; được Nhà nước bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ; được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền thuê nhà ở, hỗ trợ phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Người có nguyện vọng phục vụ lâu dài được xem xét tuyển dụng giữ chức vụ của sĩ quan và ưu tiên phong cấp bậc quân hàm sĩ quan; hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân; hưởng thù lao đặc biệt và chế độ ưu đãi khác theo hợp đồng lao động.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này và mức tối đa tiền lương cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước.
Trước đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết phát triển vũ khí, khí tài là lĩnh vực rất khó. Trong khi đó, các nước xuất khẩu vũ khí đều không chuyển giao công nghệ lõi. Vì vậy, Việt Nam phải tự sản xuất một số loại vũ khí, không phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mấu chốt của phát triển công nghệ lõi là ở cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân lực cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) “được như ngày hôm nay là do có cơ chế đặc thù thu hút nhân lực”.
“Nếu làm ở nước ngoài họ có thể nhận lương 300-400 triệu đồng mỗi tháng thì về Việt Nam chúng ta cũng phải trả ít nhất 150 triệu đồng”, ông Giang nói, nhấn mạnh đây là những người giỏi nên phải có chính sách riêng để đãi ngộ.
Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh
Luật quy định lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh – quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý. Quỹ sẽ hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Thường vụ Quốc hội cho biết qua rà soát và lấy ý kiến, đa số đại biểu tán thành quy định về xây dựng Quỹ để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực này.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có 7 chương, 34 điều, hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-quan-su-duoc-nhan-thu-lao-dac-biet-4763366.html