Các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 86.211 công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, theo Thanh tra Chính phủ.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Thường vụ Quốc hội công tác phòng chống tham nhũng năm 2024. Theo kế hoạch, số công viên chức thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 89.650, đã hoàn thành 86.211, đạt 96%.
“Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, không làm xáo trộn nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị”, ông Phong cho hay.
Trong năm, khoảng 31.700 người phải kê khai tài sản lần đầu; hơn 470.000 người đã kê khai hàng năm. Hơn 592.000 bản kê khai tài sản được công khai. Hơn 16.000 người được yêu cầu xác minh tài sản thu nhập, trong đó 19 người được xác định không trung thực, đã bị kỷ luật.
Các Cơ quan điều tra đã thụ lý hơn 1.300 vụ án với hơn 3.500 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra tạm tính khoảng 4.500 tỷ đồng và 60.000 m2 đất. Đến nay, các cơ quan đã thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.500 tỷ đồng, 45.300 m2 đất, 534 cây vàng SJC…
Các cơ quan đã kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý. Lực lượng chức năng khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan sai phạm từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh.
Từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã làm rõ bản chất và khởi tố nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương.
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng còn bất cập. Cơ chế, chính sách lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá còn sơ hở. Việc truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do chưa có kết quả tương trợ tư pháp. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp gây khó khăn khi thi hành án.
Bên cạnh đó, thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, tiền lương thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận chưa được giám sát thường xuyên nên nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cho biết sẽ nhanh chóng khắc phục những bất cập về chính sách; kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-doi-vi-tri-hon-86-000-cong-chuc-vien-chuc-de-ngua-tham-nhung-4789192.html