Bộ trưởng Y tế cho biết pháp luật hiện hành chưa có chính sách khuyến khích thỏa đáng để cơ sở sản xuất trong nước đầu tư nghiên cứu, phát triển sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc.
Trong báo cáo gửi đại biểu về một số vấn đề chất vấn tại kỳ họp 8, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói quy mô doanh nghiệp dược của Việt Nam phân tán rất cao, tiềm lực tài chính nhỏ và chưa có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Nguyên nhân là quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa đồng bộ và phù hợp. Số doanh nghiệp sản xuất thuốc được hưởng các chính sách ưu đãi còn hạn chế về mức ưu độ và hình thức.
Ngành dược cũng chưa thu hút được đầu tư nước ngoài hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc công nghệ cao. Công nghiệp hóa chất, hóa dầu chưa phát triển cũng là tác nhân khiến Việt Nam chưa tạo ra được nền tảng, hệ sinh thái hỗ trợ cho công nghiệp hóa dược phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu làm thuốc.
Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ cũng cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực dược, mỹ phẩm; đào tạo cho các chuyên gia, cơ quan quản lý học tập về cơ chế gia hạn tự động của các nước phát triển.
Ủy ban Xã hội đánh giá Việt Nam hiện chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Phần lớn thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập từ các công ty dược nước ngoài. Người Việt cũng có xu hướng tin dùng thuốc ngoại nhập hơn thuốc nội.
Điều này làm cho các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục huy động vốn thông qua tăng khối lượng và tăng tỷ lệ % cổ phiếu được phép giao dịch, nên nguy cơ “bị thâu tóm” bởi các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng nhất định đến bảo đảm an ninh y tế.
Dự án Luật Dược sửa đổi (thông qua tại kỳ họp này), bổ sung nhiều chính sách giúp thúc đẩy ngành dược trong nước, như cho phép áp dụng ưu đãi đầu tư, hưởng hỗ trợ từ các quỹ công nghệ, khoa học, đầu tư mạo hiểm quốc gia vào nhiều hoạt động phát triển dược phẩm.
Ngoài ra, dự luật cho phép kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.
Chiều 11/11, Bộ trưởng Đào Hồng Lan sẽ trả lời chất vấn, trong đó sẽ làm rõ việc huy động, bố trí lực lượng, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai. Bà cũng thông tin về việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chua-co-chinh-sach-khuyen-khich-nghien-cuu-thuoc-moi-4814359.html