Sở ngành, đơn vị phải nỗ lực từ đầu năm, không để tăng trưởng giảm như quý 1 năm ngoái (chỉ đạt 0,7% so cùng kỳ) sẽ ảnh hưởng kết quả chung của cả năm, theo ông Phan Văn Mãi.
“Quý 1 tăng trưởng thấp nên cả năm kéo lên rất vất vả. Dù các quý sau tăng trưởng tốt nhưng cả năm thành phố chỉ đạt 5,81% trong khi chỉ tiêu của năm 2023 là 7,5-8%”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024, sáng 6/1.
Theo ông Mãi, năm nay, thành phố đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%. Mục tiêu này được xem là cao và thách thức. Có ý kiến chuyên gia lo ngại khả năng quý 1 sẽ lặp lại kịch bản tăng trưởng quý 1 năm ngoái, chỉ đạt 0,7% so cùng kỳ.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa thành phố về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Do đó, người đứng đầu chính quyền TP HCM yêu cầu các sở ngành, đơn vị phải nỗ lực, triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nói quý 1 năm ngoái tăng trưởng của thành phố rơi tự do. Nguyên nhân đến từ việc thế giới bắt đầu rơi vào bất ổn, trong nước chấn chỉnh thị trường bất động sản, đầu tư công nghẽn…
Tuy nhiên, đầu năm nay, các yếu tố này đã được cải thiện. Một số điểm tích cực có thể kể đến như ngay trong tháng 1, giải ngân đầu tư công đã được thúc đẩy. Đến nay, thành phố đã bơm ra thị trường khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi năm ngoái giải ngân vốn đầu tư công cả quý 1 ước chỉ 952 tỷ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao. Thị trường bất động sản chỉ đóng băng ở nhóm đầu cơ, nhu cầu mua nhà ở vẫn tăng và nguồn cung vẫn thiếu…
“Tăng trưởng quý 1 năm nay rơi tự do như năm ngoái là không thể xảy ra”, ông Lịch nói và cho rằng năm nay thành phố cần cảnh giác với khó khăn nhưng không nên quá lo lắng.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 đề nghị chậm nhất đến nửa năm nay những nội dung phân cấp, phân quyền cho thành phố cần được hoàn thiện rõ ràng, cụ thể. Những dự án cũ cần được Chính phủ tháo gỡ để thành phố có cơ hội làm những dự án mới. Thành phố cần khai thác nguồn lực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng, tương tự như Becamex của Bình Dương.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nói trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều khó khăn thì “chúng ta phải tự cứu mình”. Theo đó, thành phố cần giải phóng nguồn lực đất đai, kéo giảm giá đất vì đây là yếu tố đầu vào của toàn bộ nền sản xuất.
Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông. Đây là những thị trường dễ tính nhưng lâu nay thành phố vẫn còn bỏ ngỏ. Đồng thời, thành phố cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào các dự án đầu tư công, vay vốn từ các gói kích cầu, lãi suất thấp.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết năm 2023, thương mại điện tử tăng trưởng gần 60%. Phát huy tiềm năng này, ngành sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, phát huy vai trò của thương mại điện tử với các hình thức bán hàng trực tuyến, livestream. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với ngân hàng khơi thông dòng tín dụng cá nhân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng; tăng cường các chương trình khuyến mãi, bình ổn giá để người tiêu dùng mua sản phẩm hợp lý.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói năm 2024 vẫn còn khó khăn, nhiều yếu tố chưa sáng sủa, cơ hội đan xen thách thức. “Khi xảy ra vụ Vạn Thịnh Phát, thành phố bị tác động nhiều nhất. Có người nói với tôi, thời gian dài qua chúng ta đi trên con đường tạm bợ. Giờ đây họ kỳ vọng con đường được xây lại phải chắc chắn hơn”, ông Nên nói.
Người đứng đầu đảng bộ thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị cần năm bắt cơ hội Nghị quyết 98 mang lại cho thành phố. Kích cầu tiêu dùng thị trường bất động sản để lan tỏa vào nền kinh tế, theo sát đầu tư công, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch… với những chương trình cụ thể. “Đừng chăm bẵm vào những cách làm truyền thống. Đổi mới, thích ứng để phù hợp với tình hình mới”, ông Nên nói.
Năm 2024, TP HCM xác định chủ đề Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98. Thành phố xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu và được phân chia thành 5 nhóm kinh tế, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh.
Năm nay thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng, khách quốc tế đến khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn; TP HCM là một trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Về xã hội, TP HCM phấn đấu đạt 297 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt từ 87%; tạo việc làm mới là 140.000 chỗ; Thành phố sẽ đưa vào hoạt động 3 bệnh viện đa khoa ở cửa ngõ khu vực Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi.
Với nhóm đô thị, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ đất giao thông đạt 14,4%, mật độ đường giao thông bình quân đạt 2,4 km mỗi km2, diện tích nhà ở xây dựng mới 8 triệu mét vuông, nhà ở bình quân đầu người đạt 22,06 m2.
Về lĩnh vực cải cách hành chính, thành phố phấn đấu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 95% người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
Lê Tuyết – Nguyễn Trà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chu-tich-tp-hcm-khong-de-tang-truong-thap-nhu-quy-1-nam-ngoai-4697706.html