Phương án cầu dây văng với ý tưởng kiến trúc “Cánh chim hòa bình” vươn cao đoạt giải nhất cuộc thi tuyển kiến trúc cầu Thượng Cát do TP Hà Nội tổ chức.
Giải nhất cuộc thi thuộc về Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt liên danh TEDI-CUBIC). Liên danh này đề xuất cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo ý tưởng “Cánh chim hòa bình” vươn cao. Cầu chính rộng 37,4 m, 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Giải nhì thuộc về Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam cùng Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng (CCU+CKJVN+CTC). Liên danh này đề xuất cầu chính gồm 7 nhịp, sử dụng kết cấu giàn thép liên tục, trụ cầu bằng bêtông cốt thép tạo hình kiến trúc với ý tưởng “Cất cánh”. Cầu chính rộng 41,41 m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Giải ba thuộc về Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn – Hầm. Doanh nghiệp đề xuất cầu chính sử dụng kết cấu vòm thép với 6 nhịp. Vòm thép gồm hai mặt phẳng vòm liên kết với nhau thông qua các giằng giá ngang tạo hình tượng kiến trúc “Trái tim hòa bình”. Cầu chính rộng 33 m, 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (đơn vị tổ chức), việc thi tuyển nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, công năng sử dụng và hiệu quả kinh tế, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại.
Cầu Thượng Cát hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến vành đai 3,5. Cầu cũng giúp giảm tải cho tuyến đường 70, vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng ở Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Từ kết quả cuộc thi, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án kiến trúc cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu đã được UBND thành phố cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32, đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Pháp Vân – Cầu Giẽ. Điểm đầu nối với vành đai 3,5, điểm cuối đấu nối vào đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Bề rộng nghiên cứu 50-60 m.
Trong đó, cầu Thượng Cát dài 4 km, 8 làn xe; đường hai đầu cầu dài 1,2 km, rộng 50-60 m. Tổng mức đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Công trình dự kiến khởi công quý I/2025, hoàn thành năm 2027.
Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/canh-chim-hoa-binh-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-kien-truc-cau-thuong-cat-4705091.html