Phó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói “báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi”. Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.
Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng (800) trong khi nguồn thu lại giảm sút.
Ông Hùng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. “Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi”, ông nói.
Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.
Bộ trưởng cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau. Vì vậy ông mong muốn báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
“Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực”, ông Hùng nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-nguyen-manh-hung-can-co-che-dac-thu-cho-6-co-quan-bao-chi-chu-luc-4814929.html