TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, băn khoăn nếu đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chuyển từ đầu tư công sang tư thì việc đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng sẽ thế nào?
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed – doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup – vừa đề xuất đầu tư trực tiếp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tức doanh nghiệp sẽ trở thành chủ đầu tư dự án, thay vì Nhà nước theo hình thức đầu tư công hiện nay.
Dự án do VinSpeed đề xuất có tổng vốn đầu tư khoảng 61 tỷ USD, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Để có vốn thực hiện, doanh nghiệp đề xuất vay Nhà nước 80% tổng mức đầu tư (khoảng 49,1 tỷ USD) không tính lãi suất trong 35 năm kể từ ngày giải ngân. Còn lại 20% vốn sẽ do doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu xếp, tương đương 12,27 tỷ USD.
Ngoài ra, Vinspeed đề xuất được các địa phương chỉ định khai thác quỹ đất phụ cận các ga đường sắt tốc độ cao để bổ sung vốn cho dự án.
Ưu điểm khi tư nhân đầu tư
Nhìn nhận về đề xuất này, TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, kể cả dự án đường sắt. Đây là chủ trương mới, quan trọng nhằm phát huy nội lực, nguồn lực to lớn trong nhân dân, trong xã hội để phát triển đất nước.
Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đề xuất tham gia dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có vốn đầu tư rất lớn, rất khó huy động, với thời gian rất dài, khả năng lợi nhuận thấp là “rất đáng khích lệ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần cống hiến đối với quốc gia, dân tộc”.
GS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận lẽ ra nhà nước phải bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư và chưa nghĩ đến khi nào thu hồi vốn thì bây giờ nhà đầu tư tư nhân vay tạm thời số tiền đó, sau đó trả lại. Xét về mặt tài chính ngân sách, phương án này có lợi hơn cho ngân sách. Đây là sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân để họ làm thay phần việc của nhà nước phải làm.
“Chúng ta cần khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân để chung tay cùng nhà nước đảm nhận chương trình, mục tiêu phát triển, chứ không thể cứ dùng đầu tư công”, ông Cường nói.
Về phía doanh nghiệp, bà Đào Thụy Vân, Phó tổng giám đốc VinSpeed, khẳng định Vingroup xác định đây là “dự án cống hiến trong vài thập kỷ”. Theo phương án vốn này, Nhà nước chỉ cho vay, không phải bỏ 100% vốn đầu tư. VinSpeed sẽ “gánh cho nhà nước 20% tổng vốn phải đầu tư và chịu lãi hoàn toàn cho số đó”. Đồng thời, họ sẽ hoàn trả nhà nước toàn bộ vốn vay sau 35 năm trong bối cảnh các chuyên gia tính toán thời gian hoàn vốn dự án có thể lên đến 70 năm.
Bà Vân cũng nói theo tìm hiểu của doanh nghiệp, 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới lỗ, chỉ 2% có lãi. Chưa kể, cứ sau khoảng 30 năm vận hành sẽ phải tái đầu tư hàng chục tỷ USD để bảo trì, nâng cấp. “Nếu giao cho VinSpeed, Ngân sách Nhà nước sẽ không phải chịu những áp lực tài chính này”, bà Vân nói.
Tàu cao tốc KTX ở Hàn Quốc. Ảnh: The High Speed Rail
Những băn khoăn
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là tuyến xương sống, huyết mạch của quốc gia, được xác định có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vừa phục vụ quốc phòng an ninh. TS Nguyễn Văn Phúc chỉ ra hàng loạt băn khoăn như nếu doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành, kinh doanh thì sẽ đáp ứng yêu cầu của Nhà nước để kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ đó như thế nào, có bảo đảm không xung đột lợi ích hay không?
Theo đề xuất, dự án đường sắt này sẽ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành, kinh doanh trong 99 năm. Với thời gian dài như vậy chắc chắn sẽ có nhiều biến động về doanh nghiệp, chủ đầu tư, vốn đầu tư, vốn kinh doanh và các rủi ro khác. “Giả sử doanh nghiệp không thể kinh doanh tiếp thì có được tự do chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác hay bắt buộc Nhà nước phải nhận chuyển giao?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Việc giao cho một doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng dễ dẫn đến độc quyền, ảnh hưởng đến lợi ích của hành khách. Nhưng doanh nghiệp không thể tự do định giá hoàn toàn theo thị trường mà phải chịu sự áp giá trần của Nhà nước. Trong trường hợp bị lỗ, doanh nghiệp có yêu cầu Nhà nước bù lỗ không?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét dù khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư dự án trọng điểm quốc gia thì vẫn phải thực hiện theo đúng quy định, thể chế, tạo công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với nhau. VinSpeed nằm trong hệ sinh thái Vingroup song chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao, kể cả Vingroup cũng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trong khi đây là dự án quy mô lớn, yêu cầu cao về trình độ khoa học kỹ thuật, tính an toàn.
Ông Long cũng băn khoăn thời gian doanh nghiệp đề xuất được vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao để hoàn vốn trong 99 năm là quá dài. Trên thế giới chưa có dự án hạ tầng giao thông nào được doanh nghiệp đầu tư có thời gian thu hồi vốn dài như vậy. “Thế giới và trong nước luôn có những biến động về kinh tế. Dự án có thể bị chuyển đổi doanh nghiệp vận hành thì nhà nước sẽ kiểm soát như thế nào?”, ông Long đặt câu hỏi.
Đề xuất doanh nghiệp tham gia theo phương thức PPP
Theo Luật đầu tư, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có thể áp dụng đầu tư công, đối tác công tư (PPP), đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của tuyến đường sắt xương sống và để công bằng giữa các doanh nghiệp, ông Ngô Trí Long đề xuất Chính phủ nên áp dụng hình thức đầu tư công hoặc theo hình thức đối tác công tư PPP với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế trong nước. Với hình thức PPP, Nhà nước đưa ra các tiêu chí về năng lực, tài chính, ưu đãi để các tập đoàn, liên danh trong nước đấu thầu công khai, minh bạch.
“Nhà nước không nên giao cho một doanh nghiệp đầu tư. Nếu dự án gặp rủi ro thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Long đặt câu hỏi và cho rằng nên đấu thầu công khai để các tập đoàn kinh tế tham gia.
TS Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng với tầm quan trọng và tính chất lưỡng dụng của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nếu VinSpeed thực sự đủ năng lực thì có thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP hoặc có thể làm tổng thầu của dự án. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, doanh nghiệp vẫn có thể tham gia cùng Nhà nước hoặc doanh nghiệp quản lý, vận hành, kinh doanh tuyến đường sắt tốc độ cao này.
GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải, ủng hộ phương án nhà nước giữ vai trò chủ đạo đầu tư. Để triển khai dự án theo hình thức PPP phải có hợp đồng giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Căn cứ phải có để xây dựng các hợp đồng là báo cáo khả thi cùng thiết kế cơ bản của dự án, qua đó làm rõ nội dung như tổng mức đầu tư; các hạng mục; hiệu quả đầu tư… kể cả những khó khăn, thuận lợi. Trên cơ sở đó mới xác định được thời hạn hợp đồng, trách nhiệm của Nhà nước và của nhà đầu tư là những gì, cũng như những ưu tiên ưu đãi cần có của Nhà nước đối với nhà đầu tư.
Việc lập báo cáo khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải theo đúng căn cứ pháp lý là nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án.
Ủng hộ mô hình tư nhân như VinSpreed là chủ đầu tư dự án, TS Hoàng Văn Cường cho rằng nên chấp nhận cho phép nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án này. Nhà đầu tư tư nhân chấp nhận lời hưởng, lỗ chịu, tất nhiên cần có cơ chế để doanh nghiệp không thiệt hại và thành công.
Về những rủi ro, ông Cường phân tích đường sắt cao tốc Bắc Nam là hạ tầng quan trọng, xương sống của quốc gia nên dù là đầu tư tư nhân thì vẫn phải tuân thủ yêu cầu của Nhà nước. Nhà đầu tư tư nhân phải dựa trên nguyên tắc nội địa hóa, phát triển công nghiệp đường sắt, không phải Nhà nước dành vốn, dành đất cho rồi muốn làm thế nào thì làm. Doanh nghiệp đi nhập khẩu, đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào thì làm triệt tiêu động lực phát triển trong nước.
Khi đầu tư xong, việc khai thác vận hành cũng cần tuân thủ định hướng, nguyên tắc của nhà nước, như tuyến đường sắt giải quyết nút thắt về logistic thì phải tuân thủ, không thể đầu tư xong mà hiệu quả không cao nên không vận hành nữa.
GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng để xác định ưu, nhược điểm nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam giao cho doanh nghiệp tư nhân cần xem xét cụ thể phương án đề xuất của từng doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa hai phương án đầu tư giữa nhà nước và tư nhân, trong đó làm rõ tính khả thi, tiến độ hoàn thành, hiệu quả đầu tư…, từ đó chứng minh những ưu điểm khi tư nhân đầu tư như nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.
Bộ Tài chính cần đánh giá tính khả thi của việc chuyển hình thức từ đầu tư công sang đầu tư trực tiếp; đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn của nhà nước để cho doanh nghiệp vay theo đề xuất của nhà đầu tư; các cơ chế chính sách cho dự án.
Đề xuất của VinSpeed về việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao đang được lấy ý kiến các bộ ngành. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp nội dung này để báo cáo cấp thẩm quyền trước 20/5. Việc đề xuất chuyển hình thức đầu tư cũng như một số cơ chế đặc thù cần được sự thông qua của Quốc hội.
Đoàn Loan – Viết Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ban-khoan-ve-de-xuat-chuyen-dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-tu-cong-sang-tu-4887655.html