Trước khi trình Quốc hội đề án trở thành thành phố trực thuộc trung ương tại kỳ họp thứ 8, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hai lần trình vào năm 1996 và 2014.
Sau khi chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên năm 1989, Thừa Thiên Huế bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, chủ yếu là trung tâm TP Huế dọc hai bờ sông Hương. Ngoài kế thừa hệ thống công trình kiến trúc Pháp và di tích triều Nguyễn, tỉnh cũng mở rộng đô thị về phía Nam.
Ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá thời kỳ đó hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục của TP Huế vượt trội so với các thành phố khác. TP Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Đại học Huế là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả miền Trung và Tây Nguyên.
Cùng với Hà Nội, Sài Gòn, Huế là một trong ba trung tâm đô thị lớn của cả nước. Nằm ngay cạnh Huế, TP Đà Nẵng lúc đó đang thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và chưa phát triển. Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa lớn của cả nước, là đầu tàu của miền Trung.
Đô thị Huế thay đổi sau 100 năm.
Từ định hướng trên, những năm 1990, tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu xây dựng đề án trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 1996 trình lên Chính phủ và Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9 đã biểu quyết, nhưng chỉ được 48% đại biểu tán thành.
Nhiều đại biểu băn khoăn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài TP Huế với đô thị đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng thì còn hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và vùng nông thôn đi lại khó khăn. Vùng Ngũ Điền bên phá Tam Giang còn lụy đò.
Một số đại biểu đề nghị tách TP Huế ra khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, song tỉnh không đồng ý. “Quan điểm của tỉnh lúc đó và cho đến nay là TP Huế không tách rời khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn tỉnh phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Quảng nhớ lại.
Sau lần đầu lỡ hẹn, Thừa Thiên Huế vẫn quyết tâm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng cơn lũ lịch sử tháng 11/1999 khiến cả tỉnh chìm trong biển nước, 352 người chết, 21 người mất tích, 94 người bị thương, 900.000 dân bị đói nhiều ngày. Cơ sở hạ tầng, kinh tế bị phá hủy, thiệt hại 1.760 tỷ đồng.
Trong lễ truy điệu người dân chết vì lũ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Ngô Yên Thi nói “đây trận lũ khủng khiếp nhất mà địa phương phải gánh chịu”. Bởi nó đã kéo lùi tốc độ phát triển của tỉnh, khiến mục tiêu lên thành phố trực thuộc trung ương khó khăn hơn.
10 năm sau đại hồng thủy, Bộ Chính trị đưa ra kết luận 48 ngày 25/5/2009 về việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới. Thừa Thiên Huế được xác định là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có TP Huế – cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2018, cho biết sau kết luận 48 của Bộ Chính trị, địa phương rất phấn khởi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Những cây cầu lớn như cầu Tam Giang, cầu Thuận An bắc qua phá Tam Giang, cầu Chợ Dinh, cầu Dã Viên bắc qua sông Hương lần lượt được khởi công.
Quốc lộ 49 lên huyện miền núi A Lưới được mở rộng. Kế hoạch mở rộng sân bay Phú Bài được đưa ra. Diện mạo đô thị Huế và vùng phụ cận dần thay đổi. Đặc biệt, tỉnh thành lập một số khu công nghiệp để lôi kéo công nhân người Huế từ miền Nam trở về lập nghiệp. “Theo thống kê thời đó, trung bình mỗi huyện có ít nhất 15.000 người vào TP HCM và các tỉnh lân cận làm công nhân. Dân số Thừa Thiên Huế có thể nói là âm”, ông Cao nói.
Năm 2014, Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng đề án lên thành phố trực thuộc trung ương trình Chính phủ, Bộ Chính trị trước khi trình lên Quốc hội. Song lúc này các tiêu chí để lên thành phố trực thuộc trung ương đã định hình rõ. Quy mô dân số, thu nhập bình quân, cơ sở hạ tầng, thu chi ngân sách của tỉnh không đạt.
Cụ thể, mật độ dân cư vùng lõi của Thừa Thiên Huế quá thấp, bằng 1/40 lần so với tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước. Tỉnh chưa tự cân đối thu chi theo quy định, tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo còn cao. Sau khi xem xét hồ sơ, Chính phủ đã không trình đề án lên Quốc hội.
Lý giải cho lần lỡ hẹn thứ hai, ông Cao nói Thừa Thiên Huế có nhiều di sản phải trùng tu, nhiều năm gánh chịu thiên tai, thời tiết dị thường nên chưa đủ nguồn lực để thực hiện hóa kết luận 48 chỉ trong 5 năm. Ngoài thu ngân sách thấp, hàng năm tỉnh mất khoản kinh phí lớn cho trùng tu di tích.
“Quan điểm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh là phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo vệ di sản, văn hóa và giáo dục. Một số dự án lớn ảnh hưởng đến di sản, cảnh quan đôi bờ sông Hương, lãnh đạo tỉnh đã từ chối nhà đầu tư”, ông Cao nói.
Tới năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 xác định rõ năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Với việc Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, Thừa Thiên Huế có thêm nguồn lực khi 100% phí tham quan di tích được giữ lại để trùng tu di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn.
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 -2021, đánh giá vài năm qua một số dự án hạ tầng được tỉnh chú trọng đầu tư như cầu vượt cửa biển Thuận An, cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương. Diện mạo hai bờ sông Hương được chỉnh trang với tuyến đường đi bộ ven sông.
Đề án di dân sống trên di tích Thượng Thành của kinh thành Huế và người dân sống trong khu vực di tích đã được triển khai. Dự án này vừa trả lại diện mạo cho di tích Huế để phát triển du lịch trong tương lai vừa mở rộng đô thị ở phía bắc sau kinh thành Huế.
“Đến thời điểm này, bao nhiêu trở ngại tỉnh đã vượt qua. Tôi tin tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội khóa 15 sẽ thông qua việc đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025”, ông Thọ nói.
Cơ sở vững chắc cho niềm tin này là Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế và cơ sở hạ tầng đô thị bao năm qua tỉnh đã xây dựng, trong đó có việc đưa huyện A Lưới ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước.
Tỉnh Thừa Thiên Huế trước và sau khi lên trung ương vào năm 2025.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/28-nam-tu-tinh-thua-thien-hue-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-4806222.html