Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 (tháng 1/2021) đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật 26 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương.
Chiều 13/6, tại buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay, cơ quan này đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật 16 đảng viên, đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật 14 đảng viên và 23 tổ chức đảng. Trong đó có 26 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương.
Đại hội 13 đã bầu 200 ủy viên Trung ương, đến giữa tháng 5/2024 có 21 người thôi nhiệm vụ, trong đó có 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn đề nghị Ban Bí thư kỷ luật 132 đảng viên, 20 tổ chức đảng và tham mưu cho Ban Bí thư lập hai đoàn giải quyết tố cáo đối với 2 đảng viên.
Về thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 78 tổ chức đảng, 23 đảng viên, sau đó đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật 43 tổ chức đảng và 100 đảng viên.
Cơ quan kiểm tra trung ương còn giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập với 115 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các vụ việc nổi cộm cơ quan này đã vào cuộc như mua sắm vật tư phục vụ Covid-19, sai phạm liên quan AIC, tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát.
Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đánh giá kết quả kiểm tra có tác dụng lớn trong “cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm” vi phạm và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Lương Cường đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tích cực tham gia xây dựng các văn kiện trình Đại hội 14 và các tiểu ban, tổ giúp việc chuẩn bị Đại hội. Cơ quan này còn phải nghiên cứu, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung.
Ông cũng yêu cầu cơ quan kiểm tra trung ương tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, đặc biệt trong các vụ án liên quan hệ sinh thái của AIC, vụ án xảy ra liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An và các vụ mới phát sinh. Quan điểm xử lý là nghiêm minh, kịp thời, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, song cần nhân văn, “trị bệnh cứu người”. Mục đích xử lý làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ hơn.
Cơ quan kiểm tra trung ương cần phát huy các nhân tố mới, bảo vệ cái đúng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ủy ban kiểm tra các cấp cần kiểm tra với tinh thần chủ động hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/26-uy-vien-nguyen-uy-vien-trung-uong-bi-ky-luat-3-nam-qua-4758062.html