Thống kê từ Ban tổ chức lễ tang, 200.000 đồng bào đã đến viếng Tổng Bí thư, chưa kể hàng trăm nghìn người đứng trên đường tiễn ông về với đất mẹ.
Chiều 26/7, tại lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho biết trong 2 ngày quốc tang, 6.000 đoàn đại biểu trung ương, địa phương, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước, 100 đoàn quốc tế và 200.000 đồng bào đã đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, hội trường Thống Nhất TP HCM và quê nhà xã Đông Hội, Đông Anh. Gần 500.000 lượt người dân gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử.
Không có thống kê về số lượng người dân dọc đường tiễn biệt Tổng Bí thư chiều 26/7, nhưng theo Ban Lễ tang nhà nước, hàng trăm nghìn người dân ở mọi miền Tổ quốc “không quản đường sá xa xôi, không quản nắng mưa, thành kính trên suốt tuyến đường tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng”.
Người đến viếng thuộc nhiều tầng lớp, từ Hà Giang xuống, Cần Thơ ra, các tỉnh lân cận đổ về. Phần đông chưa từng gặp mặt Tổng Bí thư, nhưng chung câu trả lời “đến đưa tiễn vì yêu mến cuộc đời bình dị, tận hiến đến những ngày cuối”.
Là một trong số người đầu tiên đến viếng Tổng Bí thư, chị Nguyễn Thị Lý, 39 tuổi, cho biết đã rút ngắn lịch công tác Lào Cai từ một tuần xuống bốn ngày để kịp về Hà Nội cùng chồng và hai con gái đưa tiễn ông. “Đó là tất cả những gì chúng tôi nên làm để lòng không hối tiếc”, chị nói.
Gia đình chị hai lần xếp hàng trước nhà tang lễ đợi viếng, lần đầu vào tối hôm trước xong đành bỏ cuộc sau 5 tiếng chờ đợi vì quá đông. Sáng nay, cả nhà trở lại lúc 9h và vào viếng sau khoảng nửa tiếng. Chứng kiến nhiều người tiễn ông trong nước mắt, chị Lý cảm nhận được không riêng mình mà rất nhiều người mến yêu, kính trọng ông, “cảm thấy như mất một chỗ dựa tinh thần”.
Chung cảm nhận mất mát, chị Hồ Thị Cúc lại không thể miêu tả rõ ràng, chỉ thấy “một điều gì đó đã bỏ đi xa, vươn tay níu mà không được”. Chị địu con gái từ nhà ở Hà Đông lên Nhà tang lễ quốc gia hai lần vào sáng và chiều 25/7. Bởi lịch buổi sáng ngày đầu tiên phần lớn dành cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành cùng khách quốc tế, người dân cuối giờ chiều mới được vào viếng.
Bà Nguyễn Thị Huệ, 71 tuổi, ở quận Hoàng Mai lại tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng để lại “niềm tin cho dân”. Các phát biểu của ông bà xem lại nhiều lần trên tivi để hiểu hơn về chủ trương và một phần tính cách người đứng đầu Đảng. Bà không nhớ các con số báo cáo về phòng chống tham nhũng, về công cuộc “đốt lò” mà ông khởi xướng, nhưng lại khắc ghi lời ông “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Tiễn đưa Tổng Bí thư trên chặng đường cuối hôm nay còn có thầy cô, bạn học. Cô giáo tiểu học Đặng Thị Phúc sáng nay ngồi xe lăn bái biệt “trò nhỏ” Nguyễn Phú Trọng. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, thầy giáo dạy ông hồi lớp 10 trường Nguyễn Gia Thiều từ Đức bay về. Thầy mong học trò cũ “an vui nơi cõi vĩnh hằng, về bên các bậc tiền bối lão thành, anh hùng liệt sĩ”.
“Trọn đời cống hiến cho nước nhà, anh luôn kiên định lấy xây dựng con người làm gốc, quan tâm sâu sắc tới thầy cô giáo và học sinh”, thầy Vĩnh viết trong sổ tang.
Chứng kiến dòng người xếp hàng đợi viếng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng những sự kiện đau buồn của đất nước “đánh thức” rất nhiều người về lương tri, trách nhiệm. “Tình cảm của người dân luôn là thước đo chính xác nhất”, ông nói.
Hoàng Phương – Phạm Dự
Nguồn tin: https://vnexpress.net/200-000-dong-bao-den-vieng-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-4774237.html