TP HCM150 buýt điện lộ trình kết nối ga Metro Bến Thành – Suối Tiên khai thác từ 22/12, giá vé 3.000-6.000/lượt, chạy 5h-22h mỗi ngày, giúp khách dễ tiếp cận tàu điện.
Đây là các tuyến buýt được TP HCM mở mới với tổng số 150 xe điện, gồm hai loại 30 và 60 chỗ (đứng, ngồi), màu sơn chủ đạo xanh – vàng. 17 tuyến xe lần lượt mang số hiệu từ 153 đến 169.
Những tuyến buýt này do Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines – đơn vị vận tải trúng thầu và đảm nhận khai thác. Xe hoạt động với cự ly ngắn nhất 4 km, dài nhất 20 km, chạy từ 5h đến 22h mỗi ngày – theo khung giờ của Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tùy tuyến, tần suất giãn cách mỗi chuyến khoảng 8 phút, 10 phút, 15 phút và 20 phút. Thời gian hành trình mỗi chuyến thấp nhất 15 phút, dài nhất khoảng một giờ.
Giá vé của 17 tuyến xe điện là 5.000-6.000 đồng mỗi lượt đối với nhóm hành khách bình thường và 3.000 đồng cho học sinh, sinh viên; tập 30 vé có giá 112.500 đồng. Người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em… được miễn phí theo chính sách của thành phố. Để thu hút người dân sử dụng và thuận tiện đến các nhà ga của tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, trong một tháng đầu hành khách đi các tuyến buýt điện này được miễn vé.
Theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Futabuslines, ôtô điện 30 chỗ là loại xe lần đầu đưa vào khai thác trong mạng lưới giao thông công cộng. Thiết kế này nhằm phù hợp những tuyến đường hẹp dẫn vào khu dân cư, giúp khách dễ tiếp cận. Trên các xe cũng được trang bị nhiều tính năng an toàn, camera kiểm soát hành vi tài xế, tiếp viên…
Hệ thống buýt tại TP HCM đang có 120 tuyến với hơn 2.000 xe, trong đó phương tiện sử dụng năng lượng xanh (buýt điện và khí CNG) có gần 550, còn lại chạy dầu diesel. Việc đưa vào khai thác 17 tuyến buýt điện nêu trên giúp mạng lưới này tăng lên 137 tuyến với 2.202 xe, trong đó tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh chiếm khoảng 31%.
Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM, cùng với 17 tuyến buýt trên, dọc Metro Bến Thành – Suối Tiên còn 44 tuyến hiện hữu khác lộ trình kết nối nhà ga. Tổng quan mạng lưới này giúp khách thuận tiện trung chuyển giữa các loại hình buýt và metro.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, cho biết việc đưa vào khai thác hệ thống buýt điện nằm trong định hướng chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh ở thành phố. Theo lộ trình, đến năm 2030 toàn bộ xe buýt trên địa bàn sẽ là ôtô điện, năng lượng xanh.
Để thu hút các đơn vị vận tải tham gia đầu tư buýt trong lộ trình chuyển đổi, thành phố sẽ áp dụng các chính sách như hỗ trợ lãi suất vay khi đầu tư xe, trạm sạc điện, khí CNG… Thành phố cũng triển khai hệ thống thẻ vé điện tử theo hướng liên thông giữa các loại hình giao thông công cộng, đa dạng phương thức thanh toán để thuận lợi cho người dân đi lại.
Trước đó, từ năm 2022 TP HCM bắt đầu thí điểm hoạt động 5 tuyến buýt điện, đến nay có một tuyến đưa vào khai thác là D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn). Sở Giao thông Vận tải cho biết khi đưa vào hoạt động, khách đi buýt D4 liên tục tăng, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách.
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/17-tuyen-buyt-dien-ket-noi-metro-ben-thanh-suoi-tien-van-hanh-4829999.html